Biến đổi khí hậu làm cho cuộc sống ngày càng khó khăn hơn

Thứ 6, 22/11/2013 - 23:21 GMT+7 Lượt xem: 2527

(Dân trí) - Cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học là những vấn đề lớn mang tính toàn cầu đã và đang làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21.

Ngày 19/11 tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo hiến kế cho người dân cùng chính quyền các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng khốc liệt.

Theo TS. Võ Văn Minh – Trưởng Khoa môi trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Việt Nam được xếp thứ 13/16 nước có rủi ro cao nhất bởi BĐKH. Theo dự đoán của Ủy ban liên chính phủ về BĐKH, nếu mực nước biển dâng thêm 0,1m thì 40 ngàn km2 đất trồng trọt ở Việt Nam sẽ bị ngập, sản lượng lương thực sẽ giảm đi một nửa.

Biến đổi khí hậu làm cho cuộc sống ngày càng khó khăn hơn

Hơn 100 nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương miền Trung - Tây Nguyên tham dự hội thảo ứng phó biến đổi khi hậu tại Quảng Nam ngày 19/11

 

Ngoài ra, BĐKH gián tiếp làm mất diện tích đất canh tác, giảm sản lượng cây trồng hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái nông nghiệp ở các vùng ven biển.

Các tỉnh duyên hải ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 2 vùng thời tiết, khí hậu rõ rệt: mùa khô kéo dài 8 tháng chỉ với 20-25% lượng mưa và mua mưa kéo dài 4 tháng với khoảng 70-80% lượng mưa.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở vùng này còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện môi trường đất cát nghèo dinh dưỡng và khả năng giữ nước thấp; bên cạnh đó là những tác động tiêu cực từ những biểu hiện của thời tiết cực đoan trong bối cảnh BĐKH đã làm gia tăng khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, những năm qua bão và lụt thường xuyên xảy ra ở mức độ khác nhau đã làm thiệt hại không nhỏ đến sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp…

Trong khi đó, theo Ths. Lê Quang Cảnh (Viện Tài nguyên và môi trường – ĐH Huế) thì cho biết, BĐKH đã làm xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) và xã Hương Phong (huyện Hương Trà) của tỉnh TT-Huế trở thành ốc đảo khi cơn lũ lịch sử năm 1999 và bão số 9 năm 2009 quét qua khu vực này.

 

Biến đổi khí hậu làm cho cuộc sống ngày càng khó khăn hơn

Thiên tai ngày càng khốc liệt. Trong ảnh là một đoạn kè biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) bị sóng đánh sạt lở trong mùa mưa bão 2013

Đặc biệt, trong những năm gần đây điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt như nước biển dâng cao, tần suất các cơn bão và áp thấp nhiệt đới dày hơn, lũ lụt và hạn hán xảy ra thường xuyên hơn đã tác động lớn đến môi trường và đời sống của người dân nơi đây.

Hơn nữa, tỉ lệ 80% người dân ở đây sống bằng nghề nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản với tỉ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh thì cộng đồng rất dễ bị tổn thương bởi những tác động trực tiếp và gián tiếp của BĐKH lên sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp.

“Nếu không có các biện pháp thích ứng hiệu quả, trong tương lai không xa hai xã này sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề do tình trạng BĐKH và thiên tai gia tăng”, Ths. Lê Quang Cảnh phát biểu.

Còn tại huyện Phú Vang (TT-Huế), theo bà Lê Thị Nguyện – Trưởng bộ môn Địa lý Tài nguyên (ĐH Khoa học Huế) - cho biết nước biển dâng đã “ăn” vào sâu vào bờ biển của huyện; hiện bờ biển Phú Vang đã bị xâm thực mạnh, nhất là các xã Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh An… làm bãi biển bị thu hẹp dần, nước biển đang tiến vào phá hủy dần dải rừng ngập mặn ven biển.

Nước biển dâng cũng ảnh hưởng đến 89% lao động sống nhờ vào ngành nông – ngư nghiệp và chiếm đến 45% GDP của toàn huyện. Trong các năm qua, bão kèm theo mưa lớn đã làm thiệt hại nhiều tài sản và hoa màu cũng như ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng thủy sản của người dân nơi đây khiến cuộc sống của bà con ngày càng khó khăn. Không những thế, BĐKH làm cho dịch bệnh xuất hiện và dễ lây lan làm ảnh hưởng đến năng suất, tăng chi phí sản xuất…

Tại tỉnh Đắc Lắc, theo TS. Y.Ghi Nê – Chủ tịch Liên hiệp các hiệp hội Khoa học kỹ thuật tỉnh - cho rằng Đắc Lắc có 80% dân số sống bằng nghề nông. Sự biến đổi thời tiết nắng hạn của đầu năm 2013 nên nhiều diện tích bị mất mùa, nhiều cây trồng thiếu nước tưới và giảm sản lượng. Đến tháng 9 lại mưa kéo dài gây lũ lụt làm cho nền kinh tế của địa phương thêm khó khăn.

“Nắng hạn thì thiếu nước, diện tích cây trồng chết hoặc giảm năng suất. Khi lũ lụt hay mưa nhiều làm cho cây trồng mất năng suất như cà phê rơi rụng quả, thu hoạch không có chỗ phơi…”, ông TS. Y.Ghi Nê lo lắng.

Để chủ động ứng phó với BĐKH, nhiều tham luận của các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo các đại biểu, các giải pháp như nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó BĐKH của người dân thông qua việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; dạy kỹ năng bơi lội cho trẻ em, kỹ năng phòng chống thiên tai; chuyển đổi mô hình sinh kế; bổ sung chính sách an sinh xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương… 

TS. Võ Văn Minh Trưởng Khoa môi trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) kiến nghị nên thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở khu vực này, phải mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng có thể chịu được hạn, mặn, kháng sâu bệnh, bố trí các loại cây trồng phù hợp…

Đế đối phó với BĐKH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Nguyễn Ngọc Quang, cho biết trong thời gian đến, tỉnh này sẽ tập trung đột phá phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo ra tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo an ninh lương thực, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và ổn định sinh kế cho người dân, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ để dự báo và phòng ngừa rủi ro thiên tai.

Tags: Trống
Hỏi đáp
Thư viện
Đăng ký vay vốn ưu đãi

Tên doanh nghiệp *

Địa chỉ *

Số điện thoại *

Email

Tên dự án *

Tóm tắt nội dung dự án *

Mã xác nhận *

HpY2ON
Hoạt động nghiệp vụ
Thống kê truy cập

Đang online

0

Lượt truy cập

6552445
Liên kết trang