Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà kêu gọi tái sử dụng nước thải để biến nước thải thành tài nguyên

Thứ 2, 27/03/2017 - 13:19 GMT+7 Lượt xem: 12

​Sáng 22/3, tại TP.Bắc Ninh, Bộ TN&MT đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2017.

​Dự Lễ mít tinh có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh; đại diện các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Bắc Ninh cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đặc biệt là sự có mặt, hưởng ứng của hơn 500 cán bộ, chiến sỹ và người dân tỉnh Bắc Ninh. 

Các đại biểu tham dự Lễ mít tinh

 

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà kêu gọi: “Tài nguyên nước là tài nguyên chiến lược, quan trọng đối với mọi mặt đời sống, sản xuất của đất nước. Kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2017, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương và các cộng đồng dân cư, chúng ta hãy cùng nhau: Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải để biến nước thải thành tài nguyên; Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải nông nghiệp nhằm bảo vệ sức khỏe người nông dân, người tiêu dùng và thúc đẩy an ninh lương thực; Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải đô thị cho các không gian xanh, tưới và làm sạch đô thị; Hãy tắt vòi nước, ngừng xả rác, dầu mỡ và hóa chất vào hệ thống nước thải sinh hoạt…”

Tăng cường tái sử dụng nước thải góp phần bảo vệ nguồn nước

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Giảm thiểu nước thải, tăng cường xử lý và tái sử dụng nước thải là góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, qua đó nâng cao chất lượng sống của người dân. Với ý nghĩa đó, năm 2017, Liên hợp quốc chọn “Nước thải” làm chủ đề cho Ngày Nước thế giới nhằm ủng hộ Mục tiêu phát triển bền vững về nâng cao chất lượng nước, giảm thiểu nước thải, tăng cường xử lý và tái sử dụng nước thải với thông điệp quan trọng nhất là giảm thiểu và tái sử dụng nước thải để tránh lãng phí, cải thiện nguồn nước cho các sinh vật sống. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đã luôn nỗ lực trong đàm phán hợp tác quốc tế nhằm xây dựng cơ chế hợp tác quản lý hài hoà nguồn nước giữa các quốc gia; ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

“Tuy nhiên, chúng ta còn đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi việc thực hiện cơ chế chia sẻ nguồn nước theo Công ước Liên hợp quốc về sử dụng nước cho mục đích phi giao thông thủy chưa được các quốc gia trong khu vực quan tâm, tham gia và chia sẻ. Đây là một trong những nguyên nhân cùng hiện tượng El Ninô gây nên tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây...” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. 

Nước thải - Cần nỗ lực để giải quyết ngay

Chia sẻ tại Lễ mít tinh, người đứng đầu ngành TN&MT cả nước cũng đề cập đến những thách thức to lớn về nước thải mà Việt Nam phải đối mặt như: Nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề và nhà máy, xí nghiệp chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước; Ô nhiễm nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản không được kiểm soát chặt chẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân ở các vùng nông thôn; Nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý đã và đang làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước tiếp nhận,...

Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng dân số và nhu cầu cuộc sống, lượng nước thải sinh hoạt tiếp tục tăng cao. Việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt còn rất hạn chế, chỉ có một số thành phố lớn mới có hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung nhưng cũng chỉ thu gom được một phần nhỏ lượng nước thải của thành phố, còn lại hầu hết nước thải từ các hộ dân đều xả trực tiếp vào hệ thống cống, rãnh, sông ngòi…

“Thách thức trên gióng lên một hồi chuông báo động với chúng ta và toàn nhân loại về nguy cơ mất an ninh nguồn nước trong tương lai không xa nếu như chúng ta không chung tay cùng hành động, nỗ lực để giải quyết ngay từ bây giờ” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

 

Toàn cảnh buổi Lễ mít tinh

8 nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý, bảo vệ nguồn nước.  

Để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ra 8 nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tổng hợp, đề xuất sửa đổi các quy định về bảo vệ môi trường trong các luật về môi trường, tài nguyên, thuế, ngân sách, đầu tư, xây dựng, khoa học và công nghệ, năng lượng... bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, nguồn nước.

Hai là, tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải.

Ba là, xây dựng và triển khai Đề án về cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường, thực hiện đúng nguyên tắc: “người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường; người gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại”.

Bốn là, triển khai thực hiện việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động khai thác tài nguyên nước nhằm thúc đẩy ý thức và tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn; cũng cần đẩy mạnh việc thực thi các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, trong đó bao gồm cả việc ưu đãi đối với việc đầu tư chiều sâu để tái sử dụng nước thải, sử dụng nước tuần hoàn.

Năm là, tăng cường quản lý chặt chẽ các lưu vực sông, bảo vệ rừng và nguồn sinh thủy. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động làm thay đổi dòng chảy, nạo vét luồng lạch, khai thác cát sỏi gây sạt lở, tác động xấu đến môi trường lưu vực, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh tế của nhân dân. Thực trạng này đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước, trong đó chúng ta đều biết những diễn biến phức tạp mới đây trên lưu vực sông Cầu, đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh. Các Bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc quán triệt chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chặt chẽ các hoạt động cấp phép nạo vét luồng đường thủy nội địa….

Sáu là, tập trung đầu tư hệ thống giám sát các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước theo theo hướng xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải. Qua đó các cơ sở xả nước thải, các cơ sở khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải,... và kết nối vào hệ thống giám sát chung do nhà nước đầu tư tạo thành một hệ thống thống nhất giữa Trung ương, địa phương và trên từng lưu vực sông.

Bảy là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về tài nguyên nước đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.

Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế và thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Hồng và sông Mê Công với các quốc gia thượng nguồn,…

Chung tiếng nói bảo vệ nguồn nước

Tại Lễ mít tinh, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Thế giới và đại diện Đại sứ quán Hà Lan đã góp chung tiếng nói bảo vệ nguồn nước.

 

Ông Nguyễn Tử Quỳnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại buổi Lễ mít tinh

Theo ông Nguyễn Tử Quỳnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, phát triển kinh tế sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu không gắn liền bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống con người, trong đó nước sạch là yếu tố hàng đầu để đảm bảo sức khỏe cho con người - đây không phải là nguồn tài nguyên vô hạn nhưng chắc chắn đó là tài nguyên có thể tái tạo. 

“Trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện; đồng thời tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức, hành vi của toàn xã hội về giảm thiểu ô nhiễm, tái sử dụng nước thải, sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn đồng thời phát triển bền vững môi trường” - ông Nguyễn Tử Quỳnh nói. 

 

Ông Achim Fock, Giám đốc Điều phối Danh mục và Hoạt động dự án của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Lễ mít tinh

Hưởng ứng điều này, ông Achim Fock, Giám đốc Điều phối Danh mục và Hoạt động dự án của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển và đầu tư nhiều dự án liên quan đến nước và vệ sinh môi trường. Danh mục đầu tư các dự án này hiện đã vượt trên 2 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, điển hình có hai dự án đầu tư nước sạch và vệ sinh cho khu vực nông thôn hiện đã và đang nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bền vững cho khoảng 30 tỉnh, với nhiều tỉnh có cộng đồng lớn người dân tộc thiểu số. 

"Mặc dù đã có nhiều dự án lớn được đầu tư và được hỗ trợ bởi nhiều đối tác trong các lĩnh vực phát triển, thì trong tương lai nhu cầu vốn cần để đầu tư cho lĩnh vực này vẫn còn rất lớn. Để đáp ứng cho 1,6 triệu người mỗi năm được sử dụng hệ thống xử lý nước thải và khoảng 2 triệu người sử dụng nhà tiêu đạt tiêu chuẩn quốc gia cần trên 1 tỷ đô la Mỹ. Ngân hàng Thế giới cam kết luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để cùng thực hiện những nhu cầu này" - ông Achim Fock nhấn mạnh. 

 

Ông Tom Kompier - Bí thư thứ nhất về Nước và Khí hậu, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan phát biểu tại Lễ mít tinh

Cũng tại Lễ mít tinh, ông Tom Kompier - Bí thư thứ nhất về Nước và Khí hậu, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan cũng khẳng định, chúng ta phải xử lý hợp lý nguồn nước thải, phải chi trả cho nó như một khoản đầu tư cho tương lai của chúng ta. Sự ô nhiễm khuếch tán, như việc sử dụng thuốc trừ sâu trong hoạt động nông nghiệp, hay việc vứt bỏ các loại ắc quy, túi nhựa,… sẽ rất khó để xử lý, vì thế, đừng bao giờ xả thải bừa bãi… 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện đang có hơn 663 triệu người trên toàn cầu phải xếp hàng hàng giờ, đi bộ cả chục cây số để lấy nước sinh hoạt, đó là chưa kể số người chịu ảnh hưởng tiêu cực do sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn. Trong khi đó, phần lớn nước thải từ các hộ gia đình, các thành phố, các khu đô thị hiện nay trên phạm vi toàn cầu vẫn chưa được xử lý, thải thẳng vào môi trường, do đó làm gia tăng ô nhiễm môi trường và nguồn nước sạch vốn đang ngày càng trở nên khan hiếm dưới tác động của biến đổi khí hậu.

 

(Theo CTTĐT Bộ TN&MT)

 

Tags: Trống
Hỏi đáp
Thư viện
Đăng ký vay vốn ưu đãi

Tên doanh nghiệp *

Địa chỉ *

Số điện thoại *

Email

Tên dự án *

Tóm tắt nội dung dự án *

Mã xác nhận *

cxypxA
Hoạt động nghiệp vụ
Thống kê truy cập

Đang online

0

Lượt truy cập

6555647
Liên kết trang