Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2016: Hướng tới các hoạt động thiết thực, gắn kết với cộng đồng

Thứ 4, 14/09/2016 - 11:55 GMT+7 Lượt xem: 28

​Từ ngày 16 đến 18 tháng 9 tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2016 với chủ đề Hãy hành động vì môi trường đô thị xanh, bền vững.

​Với chủ đề năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng tới các hoạt động thiết thực, mang tính liên tục và gắn kết với chủ đề, hướng về cộng đồng và huy động tốt sự tham gia của cộng đồng, giải quyết tốt vấn đề nóng tại các địa phương.

Các hoạt động tuyên truyền trước Lễ phát động Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn sẽ diễn ra từ ngày 13/9 đến ngày 17/9 bao gồm: (1) Khóa tập huấn phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường dành cho doanh nghiệp, nhằm tăng cường việc thực thi các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, áp dụng thí điểm Công ty TNHH nước giải khát Coca - Cola Việt Nam tại Đà Nẵng; (2) Khóa tập huấn về “Ảnh hưởng của đốt ngoài trời tới môi trường và sức khỏe cộng đồng”, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ các cơ quan quản lý cấp Trung ương, địa phương về rủi ro, tác hại do các hoạt động đốt ngoài trời qua đó giúp các cán bộ tham gia tập huấn có những đề xuất, xây dựng kế hoạch tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương trong xây dựng các chính sách giảm thiểu đốt ngoài trời, xử lý rác thải bảo vệ môi trường tại địa phương; (3) Lớp học môi trường nhằm giúp các em học sinh hiểu và nâng cao ý thức của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phân loại, thu gom rác và hình thành phong cách sống thân thiện với môi trường, hài hòa và bảo vệ thiên nhiên; (4) Chương trình đổi pin sinh thái, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng thông qua khuyến khích sử dụng sản phẩm sinh thái và thu hồi sản phẩm thải bỏ chứa hóa chất độc hại theo quy định của nhà nước.

Lễ phát động và ra quân thu gom rác thải đô thị hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2016 sẽ tổ chức tại đường Bạch Đằng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vào ngày 17/9/2016 với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, người dân, lực lượng công an, bộ đội, học sinh, sinh viên,… Cùng các hoạt động thiết thực như: tổ chức ra quân dọn vệ sinh dọc tuyến đường Bạch Đằng, vớt rác trên sông Bàn Thạch, thành phố Tam Kỳ; ký biên bản bàn giao, cam kết duy trì các hoạt động bảo vệ môi trường tại đại phương; tổ chức diễu hành tuyên truyền, cổ động; thu gom rác thải và vệ sinh môi trường tại thành phố Hội An;…

Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Nam xây dựng công trình xử lý nước sạch sinh hoạt công suất thiết kế là 20 m3/ngày đêm với tổng kinh phí đầu tư là 01 tỷ đồng. Công trình sẽ là mô hình điểm cung cấp đủ nước sạch, đảm bảo sức khỏe môi trường cho ít nhất 100 hộ dân trên địa bàn.

Thông tin về môi trường đô thị Việt Nam:

Tốc độ gia tăng của các đô thị: Năm 2000, nước ta có 649 đô thị thì năm 2005, con số này là 715 đô thị và đã tăng lên thành 755 đô thị lớn nhỏ vào giữa năm 2011 ( Nguồn Bộ Xây dựng, 2011).

Tốc độ gia tăng dân số của các đô thị: Năm 2009, dân số đô thị là 25,59 triệu người (chiếm 29,74% tổng dân số cả nước), đến năm 2010, dân số đô thị đã lên đến 26,22 triệu người (chiếm 30,17% tổng số dân cả nước) (Nguồn TCTK, 2011). Dự báo, đến năm 2015 dân số đô thị là 35 triệu người chiếm 38% dân số cả nước, năm 2020 là 44 triệu người chiếm 45% dân số cả nước và năm 2025 là 52 triệu người chiếm 50% dân số cả nước. (Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050).

Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10 ÷ 16 % mỗi năm. Tại hầu hết các đô thị, khối lượng CTR sinh hoạt chiếm khoảng 60 - 70% tổng lượng CTR đô thị (một số đô thị tỷ lệ này lên đến 90%). (Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2011).

Ước tính chỉ số phát sinh CTR đô thị trung bình ở Việt Nam trong những năm 2015, 2020, 2025 vào khoảng 1,2; 1,4; 1,6 kg/người/ngày (Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2011).

Tỷ lệ thu gom trung bình ở các đô thị từ 72% năm 2004 tăng lên khoảng 80 - 82% năm 2008 và đạt khoảng 83 - 85% cho năm 2010. Mặc dù tỷ lệ thu gom có tăng nhưng vẫn còn khoảng 15÷ 17% CTR đô thị bị thải ra môi trường vứt vào bãi đất, hố đất, ao hồ, hoặc đốt lộ thiên gây ô nhiễm môi trường. (Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2011).

Theo VEA

 

Tags: Trống
Hỏi đáp
Thư viện
Đăng ký vay vốn ưu đãi

Tên doanh nghiệp *

Địa chỉ *

Số điện thoại *

Email

Tên dự án *

Tóm tắt nội dung dự án *

Mã xác nhận *

Q063y1
Hoạt động nghiệp vụ
Thống kê truy cập

Đang online

0

Lượt truy cập

6555710
Liên kết trang