Chuyên gia và Ban Thư ký GEF toàn cầu làm việc với Việt Nam về danh mục dự án tại chu kỳ GEF-7
Thứ 4, 23/09/2020 - 10:18 GMT+7 Lượt xem: 15132
Ngày 30/7/2020, Văn phòng GEF Việt Nam có cuộc họp trực tuyến với Ban thư ký Quỹ môi trường toàn cầu (GEF SEC) để trao đổi, thảo luận, tham vấn về các dự án đang và sẽ sử dụng nguồn GEF-7, bà Hannah Fairbank - chuyên gia cao cấp GEF quản lý khu vực Châu Á và Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Quỹ BVMTVN, Chánh văn phòng GEF Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp, tham dự còn có các chuyên gia cao cấp thuộc các lĩnh vực của GEF toàn cầu: ông Anil Sookdeo - Chuyên gia lĩnh vực hóa chất và chất thải (CW), bà Leah Karrer - Chuyên gia lĩnh vực nguồn nước quốc tế (IW), bà Hannah Fairbank - Chuyên gia lĩnh vực đa dạng sinh học (BD), ông Satoshi Yoshida - Chuyên gia lĩnh vực Biến đổi khí hậu (CCM), ông Jurgis Sapijanskas- Chuyên gia lĩnh vực Đa dạng sinh học (BD) và bà Seo-Jeong Yoon - Cán bộ Ban thư ký. Đây là những chuyên gia có ý kiến thẩm định về chuyên môn mang tính quyết định trước khi trình CEO và Hội đồng GEF toàn cầu xem xét phê duyệt các ý tưởng dự án sử dụng kinh phí GEF nguồn STAR và non-STAR. Cùng tham dự cuộc họp còn có các đại diện: Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)… cùng các đại diện các cơ quan đề xuất phía Việt Nam: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Cục môi trường, Viện Hải dương học Nha Trang, …
Về tình hình phê duyệt đề xuất dự án trong nửa chu kỳ GEF-7 vừa qua (từ tháng 7/2018 đến tháng 7/2020), đối với nguồn vốn Non-STAR Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc: kinh phí được GEF phê duyệt là 41,2 triệu USD tăng 314% so với cả chu kỳ GEF-6, số lượng dự án được phê duyệt tăng 60%. Tuy nhiên, đối với nguồn STAR, đến nay Ban chỉ đạo GEF Việt Nam mới phê duyệt 03 ý tưởng dự án và gửi GEF toàn cầu xem xét với số kinh phí 7,6 triệu USD, chiếm 42% tổng kinh phí STAR của Việt Nam (18,1 triệu USD cho chu kỳ 4 năm từ 01/7/2018 đến 30/6/2022). Ngoài 03 ý tưởng dự án đã được ký thư đồng thuận và gửi GEF toàn cầu, còn một số ý tưởng dự án đề xuất sử dụng nguồn STAR, nhưng chưa đáp ứng được các tiêu chí ưu tiên của Việt Nam, do đó Bộ trưởng – Trưởng ban chỉ đạo và các thành viên Ban chỉ đạo đã không phê duyệt, một số ý tưởng dự án sẽ được Ban chỉ đạo xem xét trong thời gian sắp tới.
Tại cuộc họp, đầu mối tác nghiệp GEF Việt Nam đã cập nhật tình hình triển khai của một số dự án đã được phê duyệt và định hướng phân bổ nguồn vốn còn lại của GEF-7, tiếp theo đó là phiên thảo luận giữa GEF SEC và cơ quan đối tác GEF. Chuyên gia các lĩnh vực của GEF toàn cầu, các cơ quan thực hiên của GEF (GEF Implementing agencies): FAO, UNIDO, IUCN; các cơ quan thực hiên quốc gia (National Executing agencies): Bộ Kế hoạch và đầu tư (Vụ Quản lý khu kinh tế), Bộ tài nguyên và Môi trường (Vụ Pháp chế, Tổng cục Môi trường); Viện Hải dương học Nha Trang đã trao đổi, thảo luận, tham vấn về các dự án dưới đây:
- Dự án “Mở rộng áp dụng và thực hiện mô hình khu công nghiệp bền vững thông qua việc áp dụng năng lượng sạch, tuần hoàn và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững Việt Nam” do Vụ Quản lý khu kinh tế - Bộ KH&ĐT và UNIDO thực hiện;
- Dự án “Chân trời xanh” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WWF thực hiên;
- Dự án “Thúc đẩy nền kinh tế xanh tại Vùng vịnh Thái Lan thông qua phương pháp tiếp cận hệ sinh thái đối với nghề cá” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và FAO thực hiện;
- Dự án “Quản lý tổng hợp cảnh quan vùng lúa bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” do Vụ Pháp Chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và FAO thực hiện;
- Dự án “Thúc đẩy bảo tồn động vật hoang dã và du lịch có trách nhiệm dựa vào thiên nhiên vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam” do Tổng Cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP thực hiện;
- Dự án “Environment challenges related to cage culture and application of ecosystem based management in Vietnam” (tạm dịch: Những thách thức về môi trường liên quan đến nuôi lồng và áp dụng quản lý dựa trên hệ sinh thái ở Việt Nam) do Viện Hải dương học và IUCN thực hiện;
- Dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua đổi mới công nghệ sạch” dự kiến do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNIDO thực hiện.
Chuyên gia các lĩnh vực của GEF toàn cầu đã đưa ra các ý kiến đối với từng đề xuất dự án để các đơn vị thực hiện có thể hoàn thiện đề xuất dự án để đáp ứng được ưu tiên của GEF cũng như các ưu tiên quốc gia.
Kết luận cuộc họp, bà Hannah Fairbank đánh giá cao sự chuẩn bị, định hướng của Việt Nam cho chu kỳ GEF-7 và cam kết tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam trong quá trình xây dựng và đề xuất dự án. Ông Nguyễn Đức Thuận đánh giá cao sự hỗ trợ của Ban Thư ký và chuyên gia các lĩnh vực của GEF, đặc biệt là các ý kiến đóng góp rất đáng quý cho các đối tác tại Việt Nam, đồng thời Văn phòng GEF sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị hoàn thiện các đề xuất dự án, nhất là đẩy mạnh việc xây dựng các đề xuất dự án sử dụng nguồn STAR phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam và GEF toàn cầu.