Lạng Sơn: Từng bước ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ 6, 30/01/2015 - 08:41 GMT+7 Lượt xem: 48
Trước thực trạng gia tăng của BĐKH, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ để thích ứng.
Ông Hoàng Văn Hải, Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Hiện tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, BĐKH còn chưa đồng bộ, thống nhất giữa các ngành các cấp, nhiều văn bản còn chồng chéo vì thế khi triển khai thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc. Mặt khác, các giải pháp để ứng phó với BĐKH, đặc biệt là các giải pháp về công trình thường tốn rất nhiều kinh phí, hơn nữa, BĐKH là một vấn đề mới mẻ, trong khi khả năng nhận thức của người dân còn hạn chế nên khi triển khai thực hiện các quy định nhằm chủ động ứng phó với BĐKH gặp nhiều trở ngại. Trước những tác động tiêu cực của BĐKH, năm 2012 tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với BĐKH cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn. Ban hành Quyết định số 1572/QĐ-UBND ngày 22/10/2013 của UBND tỉnh về phê duyệt đề cương nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho các cán bộ thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 20/6/2014 của UBND tỉnh về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên ứng phó với BĐKH của tỉnh là sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực, tài nguyên nước, cơ sở hạ tầng và môi trường, đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng. Hiện nay, đã thực hiện đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống thủy lợi điều tiết tưới tiêu phù hợp với diễn biến thời tiết cực đoan; quy hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn ứng phó với BĐKH; xây dựng và thực thi các giải pháp thoát lũ tại các khu vực ngập lụt nghiêm trọng xã Quỳnh Sơn, Long Đống (Bắc Sơn); giải pháp chống sạt lở do mưa lũ tại các khu vực dân cư ven sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Lục Nam. Xây dựng quy hoạch phân bổ tài nguyên nước trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Xây dựng mô hình quản lý giảm tổn thất điện năng lưới điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các doanh nghiệp. Riêng năm 2014, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án kè sông Kỳ Cùng (giai đoạn 2), kè sông Trung, sông Thương, dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn sông Kỳ Cùng với kinh phí trên 18 tỷ đồng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ động ứng phó với BĐKH được tổ chức lồng ghép trong các hoạt động hưởng ứng môi trường, khí tượng thủy văn... hàng năm bằng các hoạt động cụ thể thiết thực; thường xuyên thu thập và viết bài đăng tải trên trang web của Sở để tuyên truyền phổ biến tin tức, dự báo thời tiết… nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH. Năm qua, sở TN&MT phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Lạng Sơn phát sóng 12 chuyên mục “Vì màu xanh cuộc sống”; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức 6 lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường cho hơn 650 lượt người; tổ chức hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học (22/5/2014); Giờ trái đất; Ngày Môi trường thế giới (5/6/2014); Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường... thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó giám đốc sở TN&MT khẳng định: Căn cứ kế hoạch của tỉnh, năm 2015 Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó với BĐKH; tham mưu ban hành những văn bản mới đáp ứng nhu cầu quản lý của tỉnh về BĐKH; tiếp tục triển khai thực hiện các dự án ứng phó với BĐKH đúng theo các kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.