Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018

Thứ 3, 05/06/2018 - 14:34 GMT+7 Lượt xem: 64

​​Tối 4/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường long trọng tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) và phát động “Tháng hành động vì môi trường” năm 2018 tại tỉnh Bình Định – địa phương nổi tiếng về tinh thần thượng võ, truyền thống yêu nước nồng nàn, với nhiều di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Tham dự Lễ mít tinh có đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định; đồng chí Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định; đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam; đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan ở Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí cùng toàn thể các vị đại biểu và nhân dân đến tham dự cũng như theo dõi trực tiếp lễ mít tinh trên sóng truyền hình.

Ngày Môi trường thế giới năm 2018 được Liên Hợp quốc tổ chức với Chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen cuộc sống hàng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa và nilon tới môi trường tự nhiên và sức khoẻ của con người.

Bảo vệ môi trường nói chung, chống ô nhiễm nhựa và túi nilon nói riêng luôn được xác định là chủ trương, chính sách lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582 phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.

Mới đây, ngày 07/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491 Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có mục tiêu về quản lý chất thải nhựa và túi nilon.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, song chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon.

Ngày Môi trường Thế giới năm 2018 là cơ hội để Việt Nam khẳng định quyết tâm, hành động, thay đổi nhận thức để ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm chất thải nhựa và túi nilon; hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững; thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Với mong muốn đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” - kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và từng người dân bằng những hành động thiết thực nhằm thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon để góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.

Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần quán triệt, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu phát sinh, giảm sử dụng, tái sử dụng chất thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày đến từng cộng đồng và người dân.

Tạo ra các phong trào có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như Chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần", “Không sử dụng túi nilon khó phân hủy trong cuộc sống hàng ngày”; tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các Chợ, Siêu thị, Trung tâm thương mại, các khu dân cư và vùng ven biển… nhằm khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon.

Tăng cường vai trò, sự chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cộng đồng dân cư trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc thải bỏ chất thải nhựa và túi nilon ra môi trường.

Khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế túi nilon khó phân hủy trong cuộc sống hàng ngày; đồng thời triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế, tiến tới không sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt hàng ngày.

Tin tưởng rằng, với những định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế; Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu về bảo vệ môi trường nói chung và giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa, túi nilon nói riêng; góp phần giữ gìn hành tinh xanh của nhân loại và sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Hiện nay, các sản phẩm bằng nhựa và túi nilon đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt, trở thành những vật dụng phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày của con người. Với sự tiện dụng, bền chắc, chịu được các hiện tượng thời tiết và giá thành thấp; nhựa và túi nilon được sử dụng ở hầu hết mọi nơi, từ các siêu thị, trung tâm thương mại đến các khu chợ buôn bán nhỏ lẻ, hộ gia đình và trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất - dịch vụ. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích cho đời sống con người, nhưng nó chính là tác nhân ảnh hưởng lớn đến ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.

Theo Báo cáo “Thực trạng nhựa” và “Hành tinh của chúng ta đang chìm trong ô nhiễm nhựa” của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc năm 2018, trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được mua; 5 nghìn tỷ túi nilon được tiêu thụ mỗi năm. Với mức độ tiêu thụ và cách thức quản lý chất thải nhựa như hiện nay, dự báo sẽ có khoảng 12 tỷ tấn chất thải nhựa được chôn lấp và thải ra môi trường vào năm 2050.

Ở Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 01 kg túi nilontrong một tháng; và theo Báo cáo hiện trạng Môi trường quốc gia năm 2016, riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.

Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, chất thải nhựa và túi nilon tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trở thành một thách thức rất lớn đối với cộng đồng và xã hội. Theo tính toán của các nhà khoa học, khi ở môi trường tự nhiên, túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy phải mất hàng trăm năm mới bị phân hủy hoàn toàn; gây ô nhiễm môi trường đất và nước; gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái; Nếu đốt túi nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.

 

(VEA)

Tags: Trống
Hỏi đáp
Thư viện
Đăng ký vay vốn ưu đãi

Tên doanh nghiệp *

Địa chỉ *

Số điện thoại *

Email

Tên dự án *

Tóm tắt nội dung dự án *

Mã xác nhận *

8T7mLj
Hoạt động nghiệp vụ
Thống kê truy cập

Đang online

0

Lượt truy cập

6350091
Liên kết trang