Phát huy truyền thống, đổi mới, sáng tạo, nâng cao vị thế ngành TN&MT

Thứ 6, 04/08/2017 - 13:42 GMT+7 Lượt xem: 53

​Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ TN&MT (5/8/2002 - 5/8/2017), Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về chặng đường 15 năm xây dựng, trưởng thành và những định hướng của ngành TN&MT trong giai đoạn mới.

PV: Thưa Bộ trưởng, nhìn lại quá trình 15 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Bộ TN&MT, xin Bộ trưởng đánh giá những thành tựu nổi bật của ngành trong thời gian qua?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mặc dù là một Bộ quản lý đa ngành, mới được thành lập cách đây 15 năm (ngày 5/8/2002), nhưng Bộ TN&MT đã được kế thừa truyền thống quý báu lâu đời của nhiều cơ quan tiền bối như: Tổng cục Địa chính, Tổng cục Địa chất, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Bảo vệ Môi trường, Cục Đo đạc và Bản đồ. Truyền thống về tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, năng động, sáng tạo đã được các thể hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ TN&MT phát huy để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhờ đó, trong 15 năm qua, Bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quản lý, điều hành ở tất cả các lĩnh vực do Bộ quản lý.

Nổi bật là về quản lý đất đai, đến thời điểm này, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống chính sách về đất đai trên tinh thần tôn trọng lợi ích của người dân, đồng thời, nâng cao khả năng tiếp cận đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mọi tổ chức và cá nhân. Chúng ta cũng đang nhanh chóng hiện đại hóa công tác quy hoạch, thống kê, kiểm kê, xây dựng hệ thống thông tin đất đai để hướng đến thực hiện dịch vụ công trực tuyến về đất đai.

Về địa chất và khoáng sản, nhờ công lao của nhiều thế hệ cán bộ, người lao động những người làm trong ngành, đến nay, chúng ta đã có những hiểu biết quan trọng về tài nguyên khoáng sản của đất nước. Nguồn thu từ hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản đã và đang đóng vai trò là một trong những nguồn thu quan trọng của ngân sách quốc gia.

Về khí tượng thủy văn, bên cạnh việc kế thừa và phát huy những kinh nghiệm truyền thống, chúng ta đã từng bước đầu tư xây dựng và hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo, qua đó, nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, góp phần hiệu quả vào việc bảo vệ tính mạng người dân, tài sản của Nhà nước, giữ gìn những thành quả phát triển kinh tế - xã hội.

Về môi trường, đến nay, hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường khá đồng bộ, từng bước hài hòa với thông lệ quốc tế đã được xây dựng; hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương đã được thiết lập. Đây là bước tiến quan trọng để chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng trong tương lai, sẽ từng bước ngăn ngừa hiệu quả suy thoái và ô nhiễm môi trường.

Về đo đạc và bản đồ, công nghệ hiện đại đã được đầu tư để dần thay thế những hoạt động mang tính phổ thông trong quá trình đo vẽ và thành lập các loại bản đồ khác nhau, qua đó, các sản phẩm đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của nhiều lĩnh vực khác nhau, phục vụ ngày càng tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh.

Về biến đổi khí hậu, trong thời gian rất ngắn, Bộ đã chủ động tham mưu cho Đảng và Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương và song phương, tiếp cận kinh nghiệm của các nước phát triển, đề xuất nhiều sáng kiến về ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Bộ trưởng - Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quốc Khánh
Bộ trưởng - Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. 
Ảnh: Quốc Khánh

 

Về quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, bước đầu đã hình thành một hành lang pháp lý và hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước đồng bộ từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển về quản lý tổng hợp, thống nhất biển và hải đảo, từ nghiên cứu, điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng của các vùng biển đến khai thác lợi thế tài nguyên từ biển để phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT biển bền vững. Đây là phương thức quản lý đã được áp dụng thành công ở nhiều nước có biển trên thế giới.

PV: Có nhận định cho rằng: Nếu thắt chặt việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội; còn nếu quá chú trọng đến phát triển kinh tế mà không chú trọng đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, hậu quả sẽ khôn lường, phát triển sẽ thiếu bền vững trong tương lai... Xin Bộ trưởng cho biết, những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Bộ TN&MT trong thời gian tới để vừa bảo đảm được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài, vừa bảo đảm được sự hài hòa về lợi ích giữa các thế hệ hôm nay và mai sau?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Có thể nói chưa bao giờ các vấn đề giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững lại được thế giới quan tâm và đặt ra như hiện nay. Năm 2015, Liên Hợp Quốc đã thông qua 17 mục tiêu với 169 chỉ tiêu phát triển bền vững đến 2030, trong đó, có những mục tiêu và chỉ tiêu về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Cũng trong năm đó, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng được Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu thông qua.

Trong nước, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường đã được Đảng ta khẳng định trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó, tiếp tục khẳng định rõ quan điểm: “Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vỹ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái…”.

Hai bộ: TN&MT và NN&PTNT ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2017 - 2020. Ảnh: Khương Trung

Hai bộ: TN&MT và NN&PTNT ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2017 - 2020. 

Ảnh: Khương Trung

 

Nhiệm vụ đặt ra hiện nay đối với Bộ là cần phải vào cuộc quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến trong thực tế; giải quyết tốt, hài hòa 2 vấn đề, đó là quản lý, bảo vệ TN&MT cho phát triển bền vững và tăng trưởng nhanh kinh tế - xã hội. Cụ thể là:

Thứ nhất, đối với công tác quản lý tài nguyên, cần tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về quản lý tài nguyên trong nền kinh tế thị trường hiện đại, tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong tiếp cận nguồn lực tài nguyên, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh, kiến tạo cho phát triển. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên cần phải tiếp tục được đổi mới để thực sự là nền tảng cho các quy hoạch phát triển. Cùng với đó phải tăng cường công tác điều tra cơ bản nắm chắc tiềm năng, trữ lượng các loại tài nguyên đặc biệt là các tài nguyên ẩn sâu, tài nguyên biển để có lộ trình, giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cần thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý, sử dụng đất; đảm bảo nguồn tài nguyên đất đai được giao cho các chủ thể có nhu cầu, có năng lực; giải quyết tốt vấn đề an sinh cho người có đất bị thu hồi. Thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất thông qua việc nâng cao suất đầu tư vào đất; khuyến khích thực hiện cơ chế góp đất của nông dân vào các doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn. Nâng cao hiệu quả sử dụng đối với quỹ đất công ích của Nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ rà soát đất đai, xác định ranh giới, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; giải quyết tình hình tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai. 

Triển khai tốt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước; quy hoạch tài nguyên nước trên phạm vi cả nước; quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, trên cơ sở đó, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, phân vùng sản xuất hợp lý. Thúc đẩy khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu. Chủ động hợp tác chặt chẽ với các nước trong lưu vực để cùng chia sẻ lợi ích, khai thác sử dụng nguồn nước. Triển khai thực hiện tốt việc quản lý, tổng hợp tài nguyên biển theo Chiến lược Phát triển kinh tế biển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; rà soát, cập nhật, điều chỉnh chiến lược biển quốc gia.

Hạn chế tối đa, từng bước tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô và chỉ qua chế biến sơ, thúc đẩy chế biến sâu. Đối với loại khoáng sản chiến lược đặc thù như than, dầu khí... cần có chính sách cụ thể, cân đối giữa nhập khẩu và xuất khẩu. Định hướng dự trữ, nhập khẩu một số loại khoáng sản quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của đất nước.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường cho bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP Việt Nam. Ảnh: Khương Trung
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường cho bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP Việt Nam. 
Ảnh: Khương Trung

Thứ hai, đối với công tác bảo vệ môi trường, cần khẩn trương xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia làm căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư phù hợp với quy hoạch môi trường. Xây dựng và ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường, bảo đảm nguyên tắc Trung ương chỉ đạo thống nhất và địa phương xây dựng năng lực tự ứng phó theo phương châm “3 tại chỗ”. Xây dựng ban hành hệ thống các tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Lập Danh mục các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để thực hiện việc kiểm soát đặc biệt. Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường; thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải, phát triển công nghệ xử lý nước thải, tái chế chất thải. Tập trung rà soát toàn bộ việc thẩm định, phê duyệt, chấp thuận điều chỉnh đánh giá tác động môi trường, cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đối với các dự án lớn, các dự án xả thải ra môi trường có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường để kịp thời điều chỉnh hoặc tăng cường các giải pháp bảo đảm việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường ngành phải nghiêm ngặt hơn các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nói chung, đặc biệt chú trọng các ngành: Nhuộm, thuộc da, sản xuất giấy, luyện thép từ quặng..., tiếp cận với quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của các nước tiên tiến.

Thứ ba, cần coi chuyển đổi mô hình tăng trưởng các-bon thấp, chống chịu cao là một trong những giải pháp tất yếu để phát triển đất nước nhanh hơn, tốt hơn, tránh được bẫy thu nhập trung bình khi tài nguyên thiên nhiên, nhất là than đá, dầu mỏ còn lại không nhiều và không khuyến khích sử dụng. Đồng thời, cần nhấn mạnh yêu cầu thay đổi hành vi và lối sống của toàn xã hội nhằm hướng hình thành mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó giảm dần thiệt hại về người, tài sản. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát thải các-bon thấp, thích ứng chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu. Sớm hình thành và phát triển một số chuyên ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn như vật liệu thông minh với biến đổi khí hậu, chuyển hóa năng lượng, năng lượng tái tạo.

PV: Những thành tựu của ngành TN&MT ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn của việc triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế, nhằm tranh thủ những hỗ trợ về nguồn lực của nước ngoài cho các hoạt động của Bộ, của ngành. Đây cũng là giải pháp đã được Bộ trưởng rất quan tâm, chỉ đạo trong thời gian qua. Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về những giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế của Bộ trong giai đoạn mới?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm và nguồn lực của nước ngoài luôn được Bộ TN&MT coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và thực hiện nhiều chương trình hợp tác quốc tế, qua đó, vận động về ngân sách Nhà nước nhiều chương trình/dự án cho các hoạt động về tài nguyên, môi trường, nổi bật hơn cả là các chương trình/dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên đất, tài nguyên nước… Đến nay, phạm vi hợp tác và số các đối tác quốc tế của Bộ và của ngành TN&MT ngày càng được mở rộng. Trong đó, các đối tác lớn đã có những hỗ trợ quý báu cho Bộ, ngành trong thời gian qua có Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Italy,... và các cơ chế hợp tác đa phương thông qua các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP),...

Nhiều dự án ODA hoạt động ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi đã mang lại hiệu quả về công nghệ, góp phần tuyên truyền, thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân ở các khu vực này trong quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phát triển bền vững.

Hiện nay, phương thức hợp tác và hỗ trợ cũng dần thay đổi, chuyển dần từ cách tiếp cận theo dự án sang tiếp cận theo chương trình với các mục tiêu tổng thể, toàn diện hơn, gắn kết hài hòa giữa nhu cầu hỗ trợ trong lĩnh vực TN&MT và ưu tiên của nhà tài trợ; nhiều hình thức hợp tác mới như hợp tác đối tác đang và sẽ được các đối tác quốc tế áp dụng. Vì vậy, để tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước của Bộ, thu hút nguồn lực cho ngành, một số giải pháp quan trọng sau đây cần triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà hướng dẫn đoàn viên thanh niên xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau phương pháp trồng cây chắn sóng

Bộ trưởng Trần Hồng Hà hướng dẫn đoàn viên thanh niên xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau phương pháp trồng cây chắn sóng.

 Ảnh: Việt Hùng

 

Một là, chủ động và dự báo đúng các xu thế, ưu tiên hợp tác của đối tác, gắn với việc xác định những vấn đề ưu tiên cần giải quyết trong lĩnh vực TN&MT theo nguyên tắc: Chính phủ đặt ra nhu cầu và ưu tiên; chủ động trong toàn bộ các quy trình từ lúc hình thành chương trình/dự án đến khâu thực hiện; từ chối hỗ trợ nếu thấy không thỏa mãn với các ưu tiên quốc gia.

Hai là, xây dựng và nâng cao nhận thức đúng đắn về vai trò và bản chất của nguồn vốn hỗ trợ; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế, triển khai dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ; huy động sự tham gia rộng rãi của các đối tượng thụ hưởng… nhằm đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của các chương trình, dự án hợp tác quốc tế.

Ba là, đổi mới công tác quản lý Nhà nước, tăng cường phân cấp thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế, tối đa hóa quyền làm chủ của các cơ quan đàm phán và tiếp nhận thực hiện viện trợ, nhất là trong giai đoạn sau 2010, Việt Nam được đánh giá là một nước có mức phát triển kinh tế ở mức trên đói nghèo nên định hướng của các nhà tài trợ quốc tế và Chính phủ là thực hiện chủ yếu theo mô hình đối tác toàn diện…

PV: Bộ trưởng muốn gửi thông điệp gì nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Bộ TN&MT?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nhân dịp 15 năm Ngày thành lập Bộ TN&MT, thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ TN&MT, tôi trân trọng cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát cho Bộ trong suốt chặng đường 15 năm qua.

Tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến các Bộ, ngành và địa phương đã luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình chỉ đạo, điều hành công tác quản lý trên mọi lĩnh vực của Bộ. Trân trọng cảm ơn các nhà khoa học trong và ngoài nước đã luôn chung vai sát cánh với các đơn vị của Bộ để giải quyết những bài toán đặt ra trước đây, hiện nay đối với Bộ và ngành. Cảm ơn các đối tác quốc tế đã luôn dành sự hỗ trợ hiệu quả cho các đơn vị của Bộ trong suốt thời gian qua.

Đồng thời, tôi gửi đến các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành qua các thời kỳ sự tri ân sâu sắc và lời cảm ơn chân thành nhất. Sự nỗ lực, cống hiến của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong suốt các thời kỳ đã vun đắp, tạo dựng nên truyền thống tốt đẹp của ngành TN&MT ngày hôm nay. Tôi gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công đến toàn thể các đồng chí và gia đình. Tôi cũng mong các đồng chí tiếp tục có nhiều cống hiến hơn nữa cho sự phát triển của ngành TN&MT.

Nhân dịp này, tôi mong muốn và tin tưởng sâu sắc mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ TN&MT tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tích cực học hỏi, dám nghĩ, dám làm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao góp phần nâng cao vai trò và vị thế của ngành TN&MT, phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp, qua đó, góp phần thực hiện tốt mục tiêu về Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, coi đây là phương châm, định hướng cho mỗi hành động, công việc của mình.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Việt Hùng (thực hiện)

(Báo TN&MT)

 

Tags: Trống
Hỏi đáp
Thư viện
Đăng ký vay vốn ưu đãi

Tên doanh nghiệp *

Địa chỉ *

Số điện thoại *

Email

Tên dự án *

Tóm tắt nội dung dự án *

Mã xác nhận *

HjI8Da
Hoạt động nghiệp vụ
Thống kê truy cập

Đang online

0

Lượt truy cập

6350403
Liên kết trang