Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được tăng vốn điều lệ lên tối thiểu là 3.000 tỷ đồng
Thứ 3, 11/01/2022 - 21:13 GMT+7 Lượt xem: 24182
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ khi thành lập năm 2002 đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã cho vay hơn 360 dự án với tổng số vốn hơn 3.000 tỷ đồng; cho vay lại từ nguồn ủy thác của WB với số tiền hơn 100 tỷ đồng; tài trợ cho hơn 70 dự án và hoạt động bảo vệ môi trường với tổng số tiền 108 tỷ đồng; đồng thời Quỹ cũng thực hiện các hoạt động hỗ trợ điện gió, cơ chế phát triển sạch và các nhiệm vụ khác được quy định tại Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vốn đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn quốc, việc tăng Vốn điều lệ cho Quỹ là rất cần thiết, do đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất và Chính phủ đồng ý tăng vốn điều lệ của Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam lên tối thiểu là 3.000 tỷ đồng (Điều 158, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường).
Trải qua 20 xây dựng và phát triển, hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thể hiện trên 5 tiêu chí sau:
- Thứ nhất, góp phần bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính thông qua hoạt động cho vay ưu đãi và tài trợ.
- Thứ hai, góp phần giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, giảm bớt khó khăn cho đồng bào tại các địa phương xảy ra thiên tai (bão lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn) thông qua hoạt động hỗ trợ các địa phương khắc phục ô nhiễm môi trường sau thiên tai.
- Thứ ba, bảo đảm việc thực hiện các đề án cải tạo phục hồi môi trường sau khi khai khác khoáng sản thông qua hoạt động nhận ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.
- Thứ tư, Văn phòng GEF Việt Nam từ năm 2018 đến nay (từ khi chuyển về Quỹ) đã tham mưu Ban Chỉ đạo Quỹ môi trường toàn cầu của Việt Nam huy động được gần 70 triệu USD tài trợ không hoàn lại từ Quỹ môi trường toàn cầu (tương đương 1.600 tỷ đồng); từ nguồn vốn mồi không hoàn lại này sẽ huy động được khoảng hơn 11.000 tỷ đồng; đây là nguồn lực rất quý góp phần tích cực bảo vệ môi trường, tăng cường đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Thứ năm, hiệu quả về tài chính, từ khi thành lập đến nay, luôn có Thu lớn hơn Chi, Quỹ không những bảo toàn được vốn điều lệ, mà còn tích luỹ được 475 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển (tạm tính đến ngày 31/12/2021).
Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động cho vay ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ, ký quỹ và thực hiện các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải cân bằng (net zero carbon by 2050)./.