Tân Bộ trưởng Bộ TN&MT: Giải quyết vấn đề bức xúc không chỉ bằng lời nói

Thứ 2, 11/04/2016 - 10:52 GMT+7 Lượt xem: 14

“Cá nhân tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng nhân dân luôn mong muốn các Bộ trưởng gần dân, hiểu dân, tôn trọng dân và có hành động mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lời nói phải đi đôi với hành động để giải quyết các vấn đề bức xúc đang đặt ra trong thực tiễn cuộc sống”.

Đây là chia sẻ tâm huyết của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ ngay sau khi ông được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ TN&MT.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định: “Cá nhân tôi sẽ nỗ lực hết sức để không phụ lòng tin của nhân dân, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước ta yêu cầu với bản thân mình”.

Vậy những nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN&MT trong giai đoạn tới là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong thời điểm hiện nay, những vấn đề như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và đối với công tác quản lý về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020 nói riêng. Giải quyết tốt vấn đề việc quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường cho phát triển bền vững và tăng trưởng KT-XH mà thước đo hiệu quả của sự chỉ đạo điều hành này là sự chuyển biến tích cực trong thực tế, những đóng góp cho phát triển đất nước, ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, cải thiện môi trường sống.

Trên tinh thần đó, ngành TN&MT sẽ tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu trong đó phải giải quyết hài hòa hai nhiệm vụ là thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ được tài nguyên, môi trường cho phát triển bền vững; vào cuộc quyết liệt để cùng với các Bộ, ngành địa phương bà nhân dân giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đặt ra trong thực tiễn như vấn đề ô nhiễm, khiếu kiện, lãng phí đất đai, vấn đề nguồn nước, khoáng sản.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tiếp cận với các nguồn lực tài nguyên qua đó tạo thêm xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy được vai trò điều phối, thống nhất quản lý của Bộ và ngành TN&MT trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường bởi các vấn đề mà Bộ TN&MT quản lý, điều phối đều có tính nhạy cảm, phức tạp, liên quan mật thiết nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác; mở rộng hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tranh thủ được những các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ từ các hoạt động hợp tác đa phương và song phương nhằm góp phần giải quyết những thách thức nóng bỏng hiện nay.

Giải quyết tốt vấn đề chính sách, pháp luật về đất đai sẽ tạo thêm động lực phát triển kinh tế, góp phần ổn định xã hội bởi đây là lĩnh vực hệ trọng của đất nước, luôn là vấn đề nóng, nhạy cảm, phức tạp có liên quan đến mọi người dân, doanh nghiệp; bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và tăng cường hợp tác chia se nguồn nước xuyên quốc gia. Vì thực tế, tình hình khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên dưới tác động của biến đổi khí hậu cho thấy vấn đề an ninh nguồn nước trở thành vấn đề quan trọng và cấp bách.

Là người tham gia trực tiếp việc khảo sát thực địa về tình hình khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp đối với những  vấn đề này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chúng ta biết rằng điều kiện lượng nước nội tại ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37% (310-315 tỉ m3/năm), còn lại là xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ và nhu cầu về nguồn nước cho đời sống, sản xuất sẽ tăng nhanh. Trước tình hình này, nhiệm vụ đặt ra là chúng ta phải bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và tăng cường hợp tác chia sẻ nguồn nước xuyên quốc gia.

Bộ TN&MT sẽ chủ động, tích cực triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ như điều tra cơ bản tài nguyên nước; kiểm kê tài nguyên nước; đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước; triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng quy hoạch tài nguyên nước trên phạm vi cả nước; quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, trên cơ sở đó các rà soát, điều chỉnh quy hoạch, phân vùng sản xuất hợp lý; khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu. Kiểm soát được mức giảm lượng nước ngầm, nước mặt. Bảo vệ tài nguyên nước, khắc phục, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế để đảm phán với các quốc gia liên nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ chế chia sẻ, bảo vệ nguồn nước xuyên quốc gia...

Việt Nam đã tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21),vậy chúng ta cần làm gì để tranh thủ thời cơ, kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế và sử dụng có hiệu quả nguồn lực này trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Có thể nói Hội nghị COP21 tại Paris vừa qua đạt được thỏa thuận lịch sử, thể hiện trách nhiệm nhân loại nhằm cứu Trái đất trước các tác động của biến đổi khí hậu. 

Để triển khai thực hiện các nội dung của Thoả thuận Paris 2015 trong giai đoạn tới, chúng ta cần phải tập trung vào một số giải pháp như: Xác định rõ những thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, bao gồm cả những cơ hội và thách thức do ứng phó với biến đổi khí hậu khi thực hiện Thoả thuận Paris; nhấn mạnh yêu cầu thay đổi hành vi và lối sống của toàn xã hội nhằm hướng hình thành mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đồng thời hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó giảm dần thiệt hại về người, tài sản.

Chủ động rà soát các cơ chế, chính sách trên cơ sở các nội dung của Thỏa thuận, từ đó sửa đổi bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với những quy định mới hình thành trên quy mô toàn cầu và khu vực trong tương lai.

Bên cạnh đó là nhiều giải pháp quan trong khác như luật hóa các thỏa thuận mà Việt Nam đã tham gia, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp để tăng cường thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh sự giám sát của nhân dân và tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam...

Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đó là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng vào việc tận dụng thành công các cơ hội do Thoả thuận Paris 2015 mang lại, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi này!

(Theo Báo Chính phủ)

 

Tags: Trống
Hỏi đáp
Thư viện
Đăng ký vay vốn ưu đãi

Tên doanh nghiệp *

Địa chỉ *

Số điện thoại *

Email

Tên dự án *

Tóm tắt nội dung dự án *

Mã xác nhận *

8eUXtu
Hoạt động nghiệp vụ
Thống kê truy cập

Đang online

0

Lượt truy cập

6558327
Liên kết trang