Thành công của Hội nghị COP21 - Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Thứ 2, 21/12/2015 - 10:26 GMT+7 Lượt xem: 259

Chiều ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Họp báo công bố kết quả Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) và hoạt động của đoàn Việt Nam tại COP21.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu chủ trì cuộc họp. Tham dự buổi họp báo còn có các thành viên đoàn đàm phán; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm đến sự kiện này.

Hội nghị COP21 diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 13/12/2015 với sự tham gia của gần 40.000 đại biểu từ 195 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Hội nghị đã nhận được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo Chính phủ và Nhà nước của 150 quốc gia.

Hội nghị bao gồm các phiên họp của Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc  về biến đổi khí hậu (COP 21), Hội nghị lần thứ 11 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP 11), Khóa họp thứ 43 Ban bổ trợ về tư vấn khoa học và công nghệ (SBSTA 43), Khóa họp thứ 43 Ban bổ trợ về thực hiện (SBI 43), Khóa họp lần thứ hai Nhóm công tác đặc biệt về thúc đẩy Diễn đàn Durban-phần 12 (ADP2.12).

 

Thông qua Thỏa thuận Paris - Thỏa thuận lịch sử toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu

Sau hai tuần đàm phán căng thẳng với các phiên họp kéo dài suốt đêm trong giai đoạn nước rút, vào lúc 19h28 (giờ Paris) ngày 12/12, đại diện của 195 nước tham dự Hội nghị COP21 đã chính thức thông qua Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận vừa đạt được là đánh dấu bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc suốt hơn hai thập kỷ qua nhằm thuyết phục Chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái đất.

 

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu phát biểu tại buổi họp báo

 

Bản Thỏa thuận Paris có 31 trang, 29 điều khoản và sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020. Thoả thuận Paris sẽ có hiệu lực trong vào 30 ngày sau khi có ít nhất 55 quốc gia, chiếm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu phê chuẩn.

Về mục tiêu, thỏa thuận này đặt ra mức tăng nhiệt độ của Trái đất đến năm 2100 là thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2 độ C và gắng tiến tới ngưỡng thấp hơn 1,5 độ C.

Thỏa thuận Paris còn đề ra cơ chế để mỗi nước tự nguyện rà soát, theo đó từ năm 2023, cứ 5 năm/lần Liên hợp quốc sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả tổng hợp về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các nước. Việc đánh giá này sẽ giúp các nước có thêm thông tin để cập nhật và tăng cường các cam kết của họ.

Trong điều khoản về ‘tổn thất và thiệt hại’, các bên sẽ tăng cường hiểu biết, hành động và hỗ trợ thông qua Cơ chế quốc tế về tổn thất và thiệt hại cùng với tác động của biến đổi khí hậu.

Các nước phát triển sẽ cung cấp nguồn lực tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các bên được khuyến khích cung cấp hoặc tiếp tục cung cấp hỗ trợ này trên cơ sở tự nguyện. Mức đóng góp 100 tỷ đô la mỗi năm cho đến năm 2020 tiếp tục được khẳng định lại nhưng quan trọng là Thỏa thuận Paris xem con số 100 tỷ USD này không đủ và đang kêu gọi tăng thêm. Đến năm 2025 sẽ lại đưa ra được một con số cụ thể khác về đóng góp tài chính.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Theo đánh giá ban đầu, Thoả thuận Paris đã đề cập đến các vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Việt Nam đóng góp tích cực cho sự thành công của Hội nghị COP 21

Dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam dự Hội nghị, trong phát biểu của mình tại phiên khai mạc COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH. Đồng thời, tuyên bố: "Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016- 2020. Về  đóng góp  giảm phát thải khí nhà kính,  Việt Nam  sẽ thực hiện  giảm  phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế”.

* Tổ chức thành công phiên Đối thoại cấp cao "Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng với Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte và bà Laura Tusk, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đã đồng chủ trì phiên Đối thoại cấp cao "Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Mục đích của đối thoại nhằm thảo luận và đề xuất các cơ chế, phương thức hợp tác tích cực, lâu dài để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL.

* Việt Nam tích cực tham gia đóng góp vào thành công của Thỏa thuận Paris

Nội dung thoả thuận Paris cũng được Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp. Ngoài việc chuẩn bị kỹ các nội dung trước khi diễn ra Hội nghị, với sự chỉ đạo sâu sát của Trưởng Ban công tác đàm phán về BĐKH và sự tham gia tích cực của các thành viên, các diễn biến trong quá trình đàm phán liên tục cập nhật, xử lý kịp thời. Việt Nam đã có nhiều đóng góp trực tiếp tại các phiên họp các nhóm cũng như tại phiên họp toàn thể của Hội nghị, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam cũng như xây dựng Thoả thuận.

* Việt Nam Pavilion: Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức thành công chuỗi sự kiện bên lề về Việt Nam ứng phó với BĐKH

Cũng tại Hội nghị COP21 lần này, Việt Nam lần đầu tiên sau 20 kỳ họp COP đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện bên lề về Việt Nam ứng phó với BĐKH (gian Việt Nam) với mục tiêu: giới thiệu những thách thức và cơ hội do BĐKH mang lại; các sáng kiến, hoạt động và tiềm năng trong hợp tác song phương và đa phương; các nỗ lực và hành động ứng phó với BĐKH; chia sẻ những kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ về biến đổi khí hậu; giới thiệu tiềm năng thực hiện tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp tại Việt Nam. Chuỗi sự kiện đã thu hút sự quan tâm của hơn 500 đại biểu tham gia các hội thảo, trên 2.000 lượt đại biểu tham quan, gặp gỡ tại khu triển lãm của Việt Nam.

Chương trình tại gian Việt Nam bao gồm 11 buổi hội thảo bên lề với các chủ đề có tính thời sự và được cộng đồng thế giới quan tâm, bao gồm:(i) Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC); (ii) Hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu; (iii) Các hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA); (iv) Báo cáo cập nhật 2 năm một lần (BURs) và Thông báo quốc gia (NCs); (v) Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD+); (vi) Thích ứng với biến đổi khí hậu (Adaptation); (vii) Kinh nghiệm của các quốc gia trong việc triển khai Chiến lược phát thải thấp (LEDS); (viii) Hệ thống quốc gia về đo đạc, theo dõi và kiểm chứng (MRV) và mức tham chiếu (RFLs) để thực hiện REDD+; (ix) phiên ASEAN; (x) Các hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) trong Công nghiệp và Giao thông vận tải; (xi) Phiên hợp tác Việt Nam- Hàn Quốc.

Sự tham gia tích cực cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 đã được nhiều quốc gia chia sẻ và đánh giá cao, qua đó đóng góp thiết thực cho thành công của Hội nghị lịch sử này.

 

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu phát biểu tại buổi họp báo

 

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành động cộng đồng tạo bước chuyển đổi sang nền kinh tế cacbon thấp, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Trần Hồng Hà gửi lời cảm ơn các đối tác quốc tế như UNDP, GIZ, KOICA... đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc xây dựng Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định; các hoạt động của Việt Nam tại Hội nghị COP21. Đồng thời Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới các cơ quan thông tấn báo chí đã bám sát, phản ánh khá đầy đủ diễn biến Hội nghị COP21. Bộ TN&MT tổ chức cuộc họp báo này để truyền tải ý nghĩa lịch sử của Thỏa thuận Paris – thỏa thuận trên phạm vi toàn cầu về biến đổi khí hậu, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của từng quốc gia đối với vấn đề đang đe dọa tới sự an toàn và phát triển bền vững của thế giới. Nhân dịp này, Thứ trưởng mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí sẽ truyền tải đầy đủ nội dung và ý nghĩa lịch sử của Thỏa thuận Paris cũng như nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam đóng góp vào thành công của Hội nghị COP21 tới người dân. Từ đó, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động của cộng đồng để cùng chung tay với thế giới xây dựng nền kinh tế cacbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế cacbon thấp, giảm dần việc sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và chuyển sang năng lượng sạch, giúp đất nước phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên trong những cơ hội cũng có những thách thức mà Việt Nam cần nhận thức rõ ràng, nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện”.

Tại họp báo, đại diện UNDP, các thành viên đoàn đàm phán chia sẻ thêm về những nỗ lực của Việt Nam trong các phiên họp, cũng như những cơ hội và thách thức của Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris.

 

 Toàn cảnh buổi họp báo

(Theo CTTĐT Bộ TN&MT)

 

Tags: Trống
Hỏi đáp
Thư viện
Đăng ký vay vốn ưu đãi

Tên doanh nghiệp *

Địa chỉ *

Số điện thoại *

Email

Tên dự án *

Tóm tắt nội dung dự án *

Mã xác nhận *

n7escj
Hoạt động nghiệp vụ
Thống kê truy cập

Đang online

0

Lượt truy cập

6558699
Liên kết trang