Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân kiểm tra thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái lưu vực sông Cầu tại Hải Dương

Thứ 2, 05/10/2020 - 15:08 GMT+7 Lượt xem: 3560

Chiều 2/10, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân - Trưởng đoàn kiểm tra Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đã làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững, môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu giai đoạn 2006-2020 và Kế hoạch triển khai Đề án giai đoạn sau năm 2020.

 

Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Hải Dương

Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Cầu có đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; lãnh đạo UBND và các sở, ngành liên quan của tỉnh.

Theo UBND tỉnh Hải Dương, sông Cầu hợp với sông Thương, sông Lục Nam - đoạn hợp lưu của ba sông này hợp với sông Đuống chảy vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy (đây là hai nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương). Là tỉnh nằm cuối lưu vực sông, tuy diện tích thuộc lưu vực sông ít nhưng Hải Dương lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở khu vực thượng lưu và trung lưu.

Kết quả quan trắc diễn biến môi trường trên lưu vực sông Cầu giai đoạn 2016 – 2019, hiện trạng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh 05 năm (2016 - 2020) cho thấy: Các thông số quan trắc CO, NO2, SO2, O3, CxHy đạt quy chuẩn môi trường cho phép tại tất cả các điểm quan trắc; tại thời điểm quan trắc một số vị trí quan trắc tại khu dân cư, trên một số tuyến đường giao thông, làng nghề và cụm công nghiệp có thông số tiếng ồn, bụi TSP và bụi PM10 vượt quy chuẩn cho phép (QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh và QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn). Chất lượng môi trường không khí khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh tại thời điểm quan trắc năm 2018 được cải thiện hơn; giảm về số điểm, tần suất và nồng độ thông số bụi vượt quy chuẩn cho phép (QCCP) so với các năm 2016, 2017.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì Đoàn công tác tới thăm và làm việc với Khu công nghiệp Lai Vu

Chất lượng môi trường không khí tại 12/13 làng nghề khá tốt; các thông số tiếng ồn, CO, NO2, SO2, O3, bụi TSP và bụi PM10 đều đạt QCCP; 1/13 làng nghề là làng nghề gỗ Đông Giao huyện Cẩm Giàng có nồng độ bụi TSP vượt QCCP từ 1,07 - 1,47 lần và nồng độ bụi PM10 vượt QCCP trong đợt III vượt QCCP 1,05 lần. Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất đặc thù của làng nghề có công đoạn bào, đục, đánh bóng; các hộ sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong khu vực làng nghề có nhiều phương tiện qua lại. Bên cạnh đó, còn có Làng nghề trạm khắc đá Dương Nham, phường Phạm Thái (trước đây là xã Phạm Mệnh) có nồng độ bụi TSP vượt QCCP 1,07 lần, chỉ vượt QCCP vào đợt IV năm 2016 và đợt I năm 2017; Làng nghề gốm Cậy xã Long Xuyên, huyện Bình Giang có nồng độ bụi TSP vượt QCCP từ 1,17 - 1,3 lần QCCP.

Về chất lượng môi trường nước sông tự nhiên trên hệ thống sông Thái Bình: Trên dòng chính sông Thái Bình chủ yếu có thông số TSS vượt QCCP từ 1,06-3,68 lần. Ô nhiễm TSS cao nhất đo được tại điểm S7 - Sông Thái Bình tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách dòng sông có tốc độ dòng chảy lớn và mang nhiều phù sa;...

Trên sông Hương và hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải có nhiều chỉ số vượt QCCP khá cao. Đặc biệt sông Sặt quan trắc tại 05 điểm và sông Cửu An quan trắc tại 06 điểm quan trắc có nhiều thông số vượt QCCP...

Tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng theo đợt ngày càng tăng trên sông Bắc Hưng Hải. Hệ thống sông Bắc Hưng Hải chảy qua địa bàn 04 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương mà tỉnh Hải Dương được coi như là hạ nguồn của sông Bắc Hưng Hải. Nguyên nhân gây ô nhiễm là do phải tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt của khu dân cư dọc hai bờ sông và đặc biệt là chất lượng nước sông Cầu Bây đã bị ô nhiễm từ TP.Hà Nội chảy qua tỉnh Hưng Yên, chảy về tỉnh Hải Dương. Chất lượng nước bị ô nhiễm đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, nguồn nước cấp cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân sinh sống 02 bên bờ sông do nước thải phát sinh mùi khó chịu.

Rác thải sinh hoạt trên địa bàn đối với khu vực nông thôn, hầu hết các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn các huyện không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường (khoảng cách an toàn, yêu cầu kỹ thuật,...), chủ yếu là bãi chứa tạm thời; chưa có công nghệ xử lý rác thải nông thôn được áp dụng phù hợp, đảm bảo giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nông thôn gây ra.

Đối với khu vực đô thị, TP.Hải Dương, rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng phương pháp đốt triệt để. Các khu vực đô thị còn lại (các thị trấn của các huyện, các phường của TP.Chí Linh và TX.Kinh Môn) trên địa bàn tỉnh rác thải hầu hết được đem chôn lấp. Các bãi chôn lấp rác thải ở các thị trấn hầu hết đã đầy, có nguy cơ cao trở thành các điểm gây ô nhiễm môi trường.

Thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững, môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu giai đoạn 2006-2020, UBND tỉnh đã hoàn thiện cơ chế chính sách. Trong đó đã ban hành được 30 văn bản, Quyết định, quy định về công tác bảo vệ môi trường trong toàn lưu vực. Tỉnh đã Quy hoạch 06 khu xử lý chất thải rắn tập trung cấp vùng, cấp huyện.

Mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3062/QĐ-UBND ngày 26/11/2015, theo đó, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường đất, nước, không khí trên địa bàn tỉnh với tần suất 04 lần/năm (với 170 điểm môi trường nước; 106 điểm môi trường không khí) và 33 điểm môi trường đất (đối với môi trường đất chỉ thực hiện giám sát với tần suất 01 lần/năm).

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái cho rằng, Hải Dương là tỉnh nằm cuối lưu vực sông, tuy diện tích thuộc lưu vực sông ít nhưng lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở khu vực thượng lưu và trung lưu. Kết quả quan trắc hiện trạng môi trường những năm gần đây cho thấy môi trường nước của sông Cầu khi chảy vào địa phận tỉnh Hải Dương đã có dấu hiệu ô nhiễm, đề nghị Ủy ban Bảo vệ môi trường Lưu vực sông Cầu tiếp tục duy trì hoạt động, tăng cường hơn nữa việc phối hợp nhằm tăng hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về môi trường giữa các tỉnh nằm trong lưu vực sông để đảm bảo các nguồn xả thải ra lưu vực sông đều được xử lý đạt quy chuẩn môi trường cho phép trước khi xả thải. Hải Dương rất cần phối hợp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh đầu nguồn để bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Cầu trước khi đổ vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy; phối hợp với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và TP.Hà Nội để có giải pháp làm sạch hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Theo đó tỉnh rất cần chế tài chung của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để gìn giữ môi trường chung cho toàn lưu vực.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Trưởng đoàn kiểm tra cho rằng trong 6 tỉnh lưu vực sông Cầu, Hải Dương là một trong những tỉnh phát triển mạnh về kinh tế công nghiệp, do vậy chịu sức ép và sự tích tụ về môi trường. Thứ trưởng cũng ghi nhận kết quả về công tác bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương trong nhiều năm qua như đã xây dựng hành lang pháp lý… xây dựng quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng các nhà máy xử lý rác và 100% chất thải y tế, 85% chất thải nguy hại được thu gom xử lý. Các cơ sở có hệ thống nước thải 1.000 m3/ngày đêm có hệ thống quan trắc tự động…

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: Công tác BVMT Hải Dương cần tiếp tục quan tâm. Các cụm công nghiệp trong tỉnh hầu hết chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thời gian tới cần đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý đồng bộ về xử lý thải. Chỉ cho các doanh nghiệp vào hoạt động khi đã có hệ thống xử lý thải đạt quy chuẩn. Hải Dương có 14 khu đô thị, song mới có một khu đô thị (KĐT) có hệ thống xử lý nước thải, tỉnh cần từng bước đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu tập trung đông dân. Đặc biệt cần có giải pháp quyết liệt với hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, trong đó bao gồm cả nước thải, chất thải sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khu đô thị, khu dân cư tập trung. Cần lập đề án, phối hợp với các địa phương thực hiện xử lý quyết liệt tình trạng ô nhiễm môi trường trên toàn hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Kiểm soát tốt hệ thống cửa xả thải của các doanh nghiệp trên các tuyến sông. Quản lý, hướng dẫn việc xả thải của các trang trại, các hộ chăn nuôi cá, gia súc, gia cầm.

Sau buổi làm việc với UBND tỉnh, Đoàn kiểm tra Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Cầu đã tới thăm Khu công nghiệp Lai Vu, làm việc với Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal, đơn vị xây dựng nhà máy xử lý nước thải riêng với lưu lượng xả thải lớn nhất tỉnh 4.500m3/ngày đêm.

Tags: Trống
Hỏi đáp
Thư viện
Đăng ký vay vốn ưu đãi

Tên doanh nghiệp *

Địa chỉ *

Số điện thoại *

Email

Tên dự án *

Tóm tắt nội dung dự án *

Mã xác nhận *

lPQmkd
Hoạt động nghiệp vụ
Thống kê truy cập

Đang online

0

Lượt truy cập

4740857
Liên kết trang