Thủ tướng chủ trì họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả bão số 9
Thứ 3, 03/11/2020 - 08:35 GMT+7 Lượt xem: 3676
"Thủ tướng đồng ý đề xuất bổ sung gạo hỗ trợ cho các tỉnh, lưu ý gạo phải đưa đến dân, đúng đối tượng; đồng thời nhất trí hỗ trợ thêm kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, trong đó có khoản hỗ trợ nhà sập, hư hỏng nặng cho người dân" - Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các địa phương miền Trung về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn vào chiều 1/11, tại tỉnh Quảng Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Chiều 1/11, tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn.
Dự cuộc họp có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, TP. Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là bàn biện pháp thiết thực để xử lý tình hình khi mà thiệt hại về người và tài sản rất lớn, vẫn còn nhiều người mất tích chưa tìm thấy. Cảnh “màn trời chiếu đất” của người dân vẫn đang đặt ra yêu cầu phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời hơn nữa, vẫn có nơi còn bị cô lập, trẻ em chưa thể đến trường.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để đề phòng, khắc phục, xử lý kịp thời hơn để ổn định đời sống người dân. Các bộ, ngành, địa phương đều phải có phương án khắc phục tình hình khó khăn rất lớn hiện nay.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề trước tình hình bão lũ lớn như thế, địa chất công trình thay đổi thì về lâu dài, phải xử lý vấn đề quy hoạch thế nào để bảo đảm an toàn cho người dân trong tương lai, chứ không phải “nóng đâu, phủ đó”. Bên cạnh đó, cuộc họp cần thảo luận về huy động các nguồn lực cần thiết, hệ thống chính trị vào cuộc, để làm sao sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 9, có tên quốc tế Molave, là cơn bão lớn, đặc biệt nguy hiểm, là cơn bão lịch sử trong 20 năm qua trực tiếp tác động vào Miền Trung nước ta (tương đương cơn bão Xangsane năm 2006). Thời gian lưu bão rất dài 6-7 tiếng. Cơn bão số 9 đổ bộ sau thời gian nhiều ngày mưa lũ khu vực miền Trung đã bị tổn thương rất nặng nề, đặc biệt các tác động thiên tai dồn dập trong tháng 10/2020.
Tâm bão tại Quảng Ngãi với sức gió cấp 11-12, giật cấp 14-15; đồng thời gây mưa lớn bình quân từ 600-800 tại các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh, từ 200-400mm tại các tỉnh Quảng Bình – Bình Định.
Mặc dù đã chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, căn bản, xong cơn bão và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại rất lớn, 80 người chết và mất tích, trong đó 45 người do sạt lở đất. 727 nhà sập hoàn toàn. Theo số liệu các tỉnh báo cáo, thiệt hại ước tính 10.000 tỷ đồng.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, công trình hạ tầng giao thông bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hôm nay, chuyến bay đầu tiên đã được thực hiện để đưa lương thực đến cho người dân ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn bị chia cắt nhiều ngày qua. Các chiến sĩ, dân quân và người dân 2 xã Phước Kim và Phước Thành đã cắt rừng từ xã Phước Kim để cõng hơn gạo và lương thực, thực phẩm đến người dân xã Phước Thành.
Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, sẽ tiếp tục tiếp tế để làm sao người dân có đủ lương thực cầm cự trong 30 ngày khi điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn, cơn bão mới đang sắp vào. Đến nay, hơn 200 công nhân thủy điện Đắk Mi 2 đã được đưa ra khỏi vùng cô lập, nguy hiểm.
Tỉnh ước tính sơ bộ, thiệt hại ban đầu khoảng 3.000 tỷ đồng; đề nghị Trung ương hỗ trợ, nhất là kinh phí sửa chữa nhà cửa cho người dân. Tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Quân khu 5 hỗ trợ khẩn cấp phục đường tuyến đường đến Phước Lộc, nơi 3.000 dân bị cô lập, không thể cứ tiếp tế mãi bằng trực thăng.
Bày tỏ cảm ơn Thủ tướng đã quan tâm, liên tiếp có các cuộc gọi điện thoại hỏi thăm tình hình, chỉ đạo phòng chống bão, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh quán triệt mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tuyệt đối về người.
Do đó, đã kiên quyết kêu gọi, yêu cầu tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn, di dời toàn bộ các hộ dân (97.000 người) ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão. Cho biết mái tôn trên địa bàn tỉnh “cháy hàng”, tỉnh mong muốn các bộ, địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ xử lý vấn đề này.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình cứu trợ, hỗ trợ nhân dân, khắc phục hậu quả thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra, đồng thời đề xuất các giải pháp triển khai trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, đây là bão lũ lịch sử. Trong thời gian ngắn, có 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới.
Chia sẻ với những mất mát của các tỉnh miền Trung, Thủ tướng bày tỏ, khó khăn phía trước còn nhiều. Đảng, Nhà nước tin tưởng người dân miền Trung anh hùng sẽ vượt lên để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Với địa hình, địa chất, từ ngàn đời nay, miền Trung cần học cách sống chung với bão lũ, “chúng ta phải sẵn sàng thích ứng phù hợp để giảm thiểu thiệt hại, tìm mọi biện pháp thích ứng với thiên nhiên”.
Về các biện pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm thông suốt giao thông, quốc lộ thì Bộ Giao thông vận tải phải lo, tỉnh lộ thì tỉnh phải lo…
Đối với tuyến đường vào Phước Lộc, Thủ tướng nhất trí giao Quân khu 5 khảo sát, báo cáo Chính phủ, Bộ Quốc phòng sớm xử lý, không để tuyến này bị tắc hoàn toàn.
VGP/Quang Hiếu
Vấn đề nữa mà “chúng ta rất day dứt” là phải tìm mọi biện pháp cứu người còn mất tích ở Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Bình Định. Đồng thời tích cực điều trị người bị thương. Phải tiếp tục chăm sóc gia đình bị nạn kịp thời hơn nữa, “những người vợ, người con ngóng chồng, ngóng cha đi biển về, rất tang thương”.
Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phải lo vấn đề này, để người dân bớt khổ đau hơn. Không được để người dân lâm cảnh màn trời, chiếu đất, đói cơm lạt muối, bệnh tật sau lũ. Chính vì thế, việc hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương đến người dân kịp thời, liên tục. Vận động mọi biện pháp để học sinh trở lại trường, có sách vở học tập.
Các địa phương tiếp nhận các nguồn viện trợ công khai, minh bạch, thuận lợi, có tiền đến đâu hỗ trợ cho người dân nhanh đến đó. “Nhân đây chúng tôi cũng hoan nghênh tấm lòng từ thiện của các nhà hảo tâm đến từ các địa phương”, Thủ tướng nói.
Đặc biệt hệ thống chính trị, đơn vị quân đội, công an vận động làm lại nhà ở cho dân tốt hơn.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai lực lượng, phương tiện, kể cả máy bay trực thăng, tàu thủy… để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm cứu trợ, tăng nguồn nhân lực, nhất là nhiệm vụ này trong Quân khu 5, Quân khu 4.
Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục hệ thống điện, sản xuấtg công nghiệp, cung ứng đủ hàng, nhất là lương thực, thực phẩm, vật liệu, sửa chữa nhà cửa, đặc biệt kiểm soát tốt giá cả thị trường.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất.
Thủ tướng đồng ý đề xuất bổ sung gạo hỗ trợ cho các tỉnh, lưu ý gạo phải đưa đến dân, đúng đối tượng; đồng thời nhất trí hỗ trợ thêm kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, trong đó có khoản hỗ trợ nhà sập, hư hỏng nặng cho người dân. Tuy nhiên, cần thống kê chính sách, bảo đảm công bằng cho người dân.
Nhấn mạnh vai trò điều tiết, cắt lũ của thủy điện, Thủ tướng yêu cầu rà lại quy trình liên hồ, đơn hồ chặt chẽ trong phòng chống thiên tai./.
Theo Chinhphu.vn