Thúc đẩy kinh tế chia sẻ hướng đến sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Thứ 3, 01/09/2020 - 14:44 GMT+7 Lượt xem: 3020
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thế Chinh cho biết, “kinh tế chia sẻ” là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc các nhóm nhằm mục tiêu sử dụng hiệu quả tài sản khi chủ sử dụng không dùng đến hoặc dùng không hết công suất, công năng của tài sản đó. Thường mô hình chia sẻ này được thực hiện thông qua công cụ internet trong kỷ nguyên số và ứng dụng của nó trên các các thiết bị di động, các dịch vụ điện tử theo hình thức không trả tiền (trao đổi dịch vụ) hoặc có trả một khoản phí.
Ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng cũng có tiềm năng lớn để phát triển. Do vậy, việc xây dựng “Dự án điều tra, đánh giá, đề xuất các quy định, xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong việc thực hiện các yêu cầu về sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường” là cần thiết nhằm đạt được 3 mục tiêu quan trọng là: (i) Tổng hợp kinh nghiệm một số nước trên thế giới về các nội dung, yêu cầu, quy định trách nhiệm của các bên liên quan về sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường trong mô hình kinh tế chia sẻ. (ii) Điều tra, đánh giá nhận diện các nội dung, yêu cầu về sử dụng khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường trong mô hình kinh tế chia sẻ và xác định được các quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm của các bên tham gia trong quá trình này. (iii) Đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật trong việc thực hiện các yêu cầu về khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy kinh tế chia sẻ phát triển theo hướng phát triển bền vững ở nước ta.
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thế Chinh phát biểu tại cuộc họp
Dự án sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính: Thứ nhất, nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế về các mô hình kinh tế chia sẻ và các nội dung, yêu cầu về sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên và môi trường và xu hướng điều chỉnh pháp luật của các nước. Thứ hai, điều tra, khảo sát thực trạng và đánh giá tác động của các mô hình kinh tế chia sẻ tới tài nguyên và môi trường. Thứ ba, rà soát, xác định, đánh giá các bất cập của các quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong việc thực hiện các yêu cầu về khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thứ tư, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm quy định rõ trách nhiệm của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong việc thực hiện các yêu cầu về khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thứ năm, xây dựng báo cáo tổng hợp của Dự án.
Tại cuộc họp, các chuyên gia và các đại biểu đã thảo luận, kiến nghị và đề xuất các giải pháp để bảo đảm chất lượng và nội dung thực hiện của Dự án.
Ghi nhận tính hữu ích của Dự án này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, đây là mô hình kinh tế tư hữu mà công dụng, tính hiệu quả cao. Riêng đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cần tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy kinh tế chia sẻ trong sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
"Dự án hướng đến những đề xuất thiết thực để đưa vào sửa đổi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản…và các quy định pháp luật khác. Nội dung của Dự án cần được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, với mục tiêu chỉ ra được các cách tiếp cận phù hợp cho các mô hình kinh tế chia sẻ sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước, giảm thiểu các nguy cơ về an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh môi trường, giảm thiểu các nguy cơ xung đột môi trường, đảm bảo công bằng và góp phần đưa đất nước đạt được các mục tiêu của phát triển bền vững đến năm 2030”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Toàn cảnh cuộc họp