Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thị sát mô hình đốt rác sinh hoạt phát điện
Thứ 2, 25/03/2019 - 15:10 GMT+7 Lượt xem: 2280
Cuối chiều 20/3, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã dẫn đầu Đoàn công tác Bộ TN&MT thị sát mô hình đốt rác sinh hoạt phát điện do Việt Nam tự chế tạo tại Nhà máy xử lý rác công nghệ cao TP. Hưng Yên.
Tham gia Đoàn công tác Bộ TN&MT còn có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về phía tỉnh Hưng Yên có Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Tiến Sỹ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thế Cử; Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Phú.
Báo cáo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, lãnh đạo nhà máy cho biết: Mô hình này sử dụng công nghệ chuyển hóa rác thải thành điện năng và các bon organic là công nghệ khí hóa đa nhiên liệu trong điều kiện thiếu ôxy thuộc Công ty TNHH Sa mạc xanh tại tỉnh Hưng Yên.
Với công nghệ này, rác đầu vào được nạp lên dây chuyền tiền chế bằng một cơ cấu nâng hạ thủy lực. Sau đó, được cắt nhỏ trên băng chuyền và tách biệt riêng ra thành 2 dòng vật chất, dòng vật chất thứ nhất là hữu cơ mô mềm và nước (là những vật chất dễ phân hủy, gây ô nhiễm mùi và kéo theo côn trùng…). Dòng vật chất này được công ty trộn lẫn với than các bon trong quá trình xử lý rác, tạo ra vật chất chúng tôi gọi là các bon organic có nguồn gốc 100% hữu cơ, có thể sử dụng được làm sản phẩm phân bón trong tương lai.
Dòng vật chất thứ hai là xơ bã rác, được trộn với đất, cát, đá, sắt, nylon… sấy giảm ẩm 20% - 25%, sau đó, ép thành viên hoặc kiện đưa vào lò khí hóa đa nhiên liệu, sản xuất thành khí tổng hợp đưa vào nhiệt hóa để sinh ra khí tổng hợp. Sản phẩm cuối cùng của quá trình này là phát điện và than các bon dùng để trộn với hữu cơ mô mềm.
Điều khác biệt của công nghệ này là rác thải sinh hoạt được tách ra thành hai dòng vật chất. Dịch bùn hữu cơ mô mềm và nước ngậm (tác nhân phân hủy nhanh gây mùi và côn trùng) phối trộn với than các bon (sau khi hóa điện) để sản xuất thành đất đen carbon organic, dùng để cải tạo đất và sử dụng cho ngành nông nghiệp hữu cơ tốt nhất, tiến tới một nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, xơ bã rác (không phân hủy và không còn mùi) phối trộn với chất thải vô cơ là thủy tinh, đất cát, đá lẫn tạp chất như một tác nhân tạo thành vùng than hồng duy trì nhiệt độ trong lò để chuyển hóa chất thải rắn thành khí Syngas và than các bon) trong điều kiện thiếu ôxy và không còn tỷ lệ % nào phải chôn lấp. Các vật chất vô cơ (không cháy được có trong rác được sử dụng như một tác nhân để khí hóa - giữ nhiệt trong lò và tham gia quá trình phản ứng nhiệt nhằm trung hòa, hấp phụ các khí ko mong muốn để trở thành các chất khoáng tự nhiên trong điều kiện thiếu Oxygen.
Các vật chất có nguồn gốc từ hữu cơ sẽ thành các bon hữu cơ, các vật chất có nguồn gốc từ dầu mỏ sẽ thành các bon thấp. Như vậy toàn bộ hỗn hợp rác sẽ được chuyển hóa thành những sản phẩm rất hữu ích phục vụ lại con người và cộng đồng xã hội - không bị bỏ phí.
Đây là phương pháp chuyển hóa chất thải từ pha rắn sang khí theo nguyên lý sử dụng nhiệt độ để bẻ gãy hay cắt đứt các mạch Hydrocarbon trong điều kiện yếu khí tạo ra khí cháy tổng hợp Syngas và phần cốc hóa còn lại là than các bon. Sử dụng khí Syngas là nhiên liệu cho động cơ đốt trong phát điện. Than các bon được phối trộn với dịch bùn hữu cơ mô mềm và nước ngậm tạo thành đất đen các bon organic phục vụ ngành nông nghiệp hữu cơ rất hiệu quả. Bởi vậy, sẽ không còn nước rác phải xử lý, không có khí thải trong suốt quá trình chuyển hóa và không còn chất thải rắn nào phải chôn lấp. Công nghệ này không có đốt hở nên không có ống khói, vì thế không có phát thải thứ cấp.
Lãnh đạo nhà máy khẳng định: Đây là giải pháp công nghệ dễ ứng dụng và nhân rộng trong cộng đồng. Công nghệ và thiết bị đều là sản phẩm trong nước do chúng tôi tự làm ra nên có giá thành đầu tư phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, chi phí nhân công giảm do được tự động hóa cao.
Ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, quan điểm của tỉnh Hưng Yên là tạo điều kiện hết sức có thể cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải cam kết tuân thủ tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; xử lý triệt để rác thải sinh hoạt với công nghệ điện rác; không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Sau khi thăm quan mô hình công nghệ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Quan điểm của Bộ TN&MT là hoàn toàn ủng hộ mô hình xã hội hoá công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, thu hút mọi nguồn lực kinh tế tham gia vào đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải. Bộ luôn quan tâm tới những dây chuyền công nghệ xử lý rác tiên tiến, đây là công trình nghiên cứu rất hợp lý với hiện trạng ở nước ta và kỳ vọng trong tương lai gần sẽ thành công trên phạm vi lớn hơn, áp dụng rộng rãi hơn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Hưng Yên và Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên hướng dẫn Công ty TNHH Sa mạc xanh hoàn thiện thủ tục đánh giá tác động môi trường; rà soát, đánh giá một số công đoạn trong dây chuyền xử lý rác đang vận hành thử nghiệm, trong đó có một số quy trình công nghệ phải phù hợp với Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý: Việc đánh giá một lần chưa thể xác định dây chuyền xử lý rác có đủ điều kiện để đi vào vận hành hay không mà cần phải tiếp tục đánh giá một cách tổng thể, toàn diện hơn nữa. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng sẽ xem xét việc hỗ trợ lãi suất vay từ nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để Công ty TNHH Sa mạc xanh đầu tư xây dựng các hạng mục ban đầu, giải quyết hài hoà bài toán kinh tế và trách nhiệm xã hội gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng đề nghị Công ty TNHH Sa mạc xanh tiếp tục hoàn chỉnh công nghệ, vận hành thử nghiệm thành công, đưa công nghệ vào sản xuất thương mại, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế.
(VEA)