Giới thiệu và tập huấn sử dụng ứng dụng điện thoại WildScan về bảo vệ động vật hoang dã
Thứ 3, 12/05/2015 - 09:35 GMT+7 Lượt xem: 898
Ngày 11/5/2015, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) phối hợp cùng tổ chức Freeland, một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chống buôn bán ĐVHD trái phép tổ chức giới thiệu ứng dụng Wildscan, một ứng dụng trên điện thoại di dộng giúp nhận dạng các loài động vật hoang dã, được thiết kế nhằm hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật kiểm soát vấn nạn tiêu thụ các loài ĐVHD trái phép.
Buổi lễ ra mắt ứng dụng Wildscan là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học (22/5) do BCA và tổ chức Freeland phối hợp thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Châu Á hành động chống nạn buôn bán các loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng” (ARREST).
Tại buổi lễ, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục bảo tồn đa dạng sinh học cho biết đây là một cách tiếp cận mới nhằm hỗ trợ không chỉ cho các cơ quan thực thi pháp luật mà cho cả cộng đồng trong việc xác định và thông báo các hành vi buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học là tăng cường huy động sự hỗ trợ và tăng cường năng lực kiểm soát buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp. Ứng dụng này sẽ trở thành một công cụ hữu ích giúp bảo vệ các loài nguy cấp.
Ứng dụng di động này có chức năng độc đáo giúp nhận dạng loài, bao gồm một thư viện lớn chứa các hình ảnh sắc nét và các thông tin quan trọng của hơn 300 loài nguy cấp và các sản phẩm làm từ ĐVHD thường được buôn bán trái phép vào và trong khu vực Đông Nam Á , cũng như cung cấp các hướng dẫn về cách chăm sóc con vật và hệ thống báo cáo đơn giản.
Ứng dụng được thiết kế nhằm hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật nhận dạng chính xác, thông báo hành vi vi phạm và xử lý các loài ĐVHD bị buôn bán trái phép mà không cần tham khảo sách. Ứng dụng này được cung cấp miễn phí cho các thiết bị chạy hệ điều hành Android và được hỗ trợ bởi nhiều ngôn ngữ có sắn khác nhau vào năm 2015.
Sau buổi lễ ra mắt, một chương trình tập huấn về cách sử dụng ứng dụng cũng đã được tổ chức nhằm đảm bảo các cán bộ thực thi pháp luật có thể kết nối và sử dụng ứng dụng một cách hiệu quả.
Toàn cảnh buổi lễ
(Theo VEA)