Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn

Thứ 5, 15/08/2019 - 15:30 GMT+7 Lượt xem: 3884

Ngày 14/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì hội thảo quốc tế về “Quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”.   

​Tham dự hội thảo có đông đảo các chuyên gia đến từ các quốc gia Úc, Hàn Quốc; các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế; đại diện cho các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng; các chuyên gia, đại biểu các đơn vị, tổ chức  trong nước.

Trong thời gian qua, sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, đồng thời làm gia tăng lượng phát sinh chất thải rắn, với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý chất thải rắn ở Việt Nam. 

Chất thải rắn sinh hoạt đô thị năm 2015 đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2010; dự đoán năm 2020 sẽ tăng gấp 2,37 lần và năm 2025 là 3,2 lần của năm 2010. Bình quân chất thải rắn/đầu người tăng (0,95kg/người/ngày năm 2009 lên 1,6kg/người/ngày năm 2025). Hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn là vấn đề lớn đối với các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý chất thải rắn, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về Chiến lược, quy hoạch quốc gia về quản lý tổng hợp, Quy hoạch khu xử lý chất thải rắn; đặc biệt Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và KCN.

 

Việc ban hành các chính sách, thể chế trong công tác quản lý chất thải rắn đã từng bước đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, để công tác quản lý chất thải rắn đô thị đạt hiệu quả cao, cần có sự học hỏi kinh nghiệm quốc tế, bắt nhịp với các phương thức, công cụ quản lý tiên tiến, hiệu quả trên thế giới, cũng như tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ hàng đầu trong việc xử lý chất thải rắn đô thị. Để làm được điều này, cần có sự quan tâm đúng mức, có cách tiếp cận mới, xem rác thải là nguồn tài nguyên, quản lý chất thải rắn phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bắt đầu từ khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng là thải bỏ, kinh tế tuần hoàn hướng tới khôi phục và tái tạo để sản xuất các sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí khai thác tài nguyên mới và chi phí xử lý chất thải. Vì vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn (circular economy), trong đó chú trọng tái sử dụng các phế liệu và rác thải, được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Hiện nay, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn đô thị tại một số quốc gia trên thế giới đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.

 
Hình: Kinh tế tuần hoàn

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường, với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải rắn, Bộ đã xây dựng được hành lang pháp lý, công cụ trong quản lý chất thải rắn, dần dần từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn đô thị, đưa các công nghệ tiên tiến trên thế giới về xử lý chất thải rắn vào Việt Nam, điều này góp phần không nhỏ trong việc nỗ lực giảm thiểu chất thải rắn tại các đô thị trên toàn quốc.

“Với tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường vui mừng nhận thấy rằng tại Hội thảo hôm nay - là Hội thảo quốc tế đầu tiên trong hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải rắn đô thị trong phát triển kinh tế tuần hoàn - với sự tham dự và trình bày tham luận của các chuyên gia quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và kinh tế tuần hoàn đến từ Đại học Griffith, Úc và chuyên gia chính sách đến từ Hàn Quốc, cùng với các chuyên gia từ Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, là cơ quan nghiên cứu đầu ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường.” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Thứ trưởng tin tưởng rằng kết quả của Hội thảo quốc tế lần này sẽ góp phần mang đến nhiều thông tin, nhiều kinh nghiệm quý, đáng học hỏi trên thế giới về quản lý chất thải rắn đô thị, đảm bảo phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, đây cũng là nơi trao đổi thông tin giữa các nhà nghiên cứu đầu ngành về quản lý chất thải rắn và kinh tế tuần hoàn của các nước với Việt Nam về việc làm thế nào để xây dựng mô hình quản lý chất thải rắn đô thị hiệu quả, cũng như đánh giá nhìn nhận đầy đủ về cơ hội trong việc khai thác, phát huy tối đa hiệu quả khi áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong việc xử lý, thu gom, tái chế chất thải rắn đô thị hiện nay. Theo đúng tinh thần của các quốc gia trên thế giới hiện nay nhận định, “Kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường”.

Sau lời phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, các đại biểu tham dự đã được nghe các chia sẻ, trao đổi về kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn của CHLB Đức, Úc, Hàn Quốc, Việt Nam, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO).

 PGS. Sunil Herat, Trường Kỹ thuật và Môi trường Xây dựng thuộc Đại học Griffith (Úc)

 

Theo nghiên cứu của Sunil Herat - Phó Giáo sư về quản lý chất thải của Trường Kỹ thuật và Môi trường Xây dựng thuộc Đại học Griffith (Brisbane, Úc), quản lý chất thải là một thách thức lớn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Gia tăng dân số, di cư từ nông thôn đến thành thị và gia tăng tiêu dùng đều góp phần vào thách thức này. Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc ước tính rằng thế giới tạo ra khoảng 7 đến 10 tỷ tấn chất thải rắn từ các hộ gia đình đô thị, thương mại, công nghiệp và xây dựng. Các thành phố thu nhập thấp ở châu Á và châu Phi sẽ tăng gấp đôi lượng rác thải trong vòng 15-20 năm tới. Quản lý chất thải kém có thể có tác động lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Hiện nay, việc tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và chất thải là ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển. Cách tiếp cận 3R (3R - tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu) là một công cụ chính sách quan trọng để đạt được kết quả này. Một số quốc gia đã áp dụng chiến lược 3R quốc gia và các  luật, quy định, các chương trình có liên quan.


TS. Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam)

Kinh tế tuyến tính (Linear Economy) gây suy giảm tài nguyên và gia tăng chất thải. Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các thiết kế chủ động. Nó thay thế khải niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô  hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó.” - TS. Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam) cho biết.

Theo GS. Sunil Herat, nền kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thay thế cho nền kinh tế tuyến tính truyền thống (sản xuất, sử dụng, thải bỏ) trong đó tài nguyên được sử dụng một cách tối đa, từ đó thu được giá trị tối đa từ chúng trong quá trình sử dụng, sau đó phục hồi và tái tạo các sản phẩm và vật liệu tại cuối vòng đời của chúng. Nền kinh tế tuần hoàn giúp cải thiện hiệu suất (Sản xuất sạch hơn), cải tiến thiết kế (Thiết kế cho sự bền vững), cải thiện chuỗi cung ứng, …

Để hỗ trợ cho nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta có thể tăng thời gian sản phẩm cung cấp dịch vụ của chúng trước khi kết thúc thời gian sử dụng của chúng; giảm việc sử dụng các vật liệu độc hại hoặc khó tái chế; tạo thị trường cho vật liệu tái chế; khuyến khích người tiêu dùng giảm thiểu chất thải và phân loại rác; giảm thiểu chi phí tái chế và tái sử dụng với các hệ thống tách và thu gom; tạo điều kiện cho các cụm công nghiệp trao đổi các sản phẩm phụ để ngăn chặn chúng trở thành chất thải (công nghiệp cộng sinh ), …


Ông Jörg Rüger (CHLB Đức)

Kinh tế tuần hoàn dường như là giải pháp thiết thực cho cuộc khủng hoảng tài nguyên trên toàn thế giới. Thế giới không thể tiếp tục với mô hình kinh tế tuyến tính “lấy đi - tạo ra-thải bỏ”. Kinh tế tuần hoàn giúp ổn định một số vấn đề này bằng cách tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi việc tiêu thụ tài nguyên, xem xét tất cả các tùy chọn trên toàn chuỗi nhằm sử dụng càng ít tài nguyên càng tốt, giữ cho tài nguyên được lưu thông càng lâu càng tốt, tạo ra giá trị tối đa từ chúng trong khi sử dụng, cùng với đó, phục hồi và tái tạo sản phẩm khi kết thúc vòng đời của chúng (tái chế được coi là ‘vòng ngoài' của kinh tế tuàn hoàn, ‘vòng trong‘ của kinh tế tuần hoàn bao gồm việc sửa chữa, tái sử dụng và tái sản xuất).

Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn tạo ra lợi nhuận - các mô hình kinh doanh cho một nền kinh tế tuần hoàn rất hấp dẫn - các nhà sản xuất có khả năng gặt hái những lợi ích nhanh nhất nếu như hạn chế sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô. Kinh tế tuần hoàn giúp giải quyết cả 3 cách tiếp cận để phát triển bền vững - ngoài giá trị kinh tế và tạo dựng việc làm, nền kinh tế tuần hoàn còn giúp giảm lượng khí thải các bon một cách đáng kể.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, Việt Nam cũng đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn như Mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm;  các mô hình sản xuất sạch hơn; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm,…) tạo ra Chitosan và SSE; sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên (Zero Waste to Nature) do VCCI khởi xướng; sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang.

Đối với nước Úc, theo GS. Sunil Herat, Chính phủ Úc đã ban hành Chính sách chất thải quốc gia với mục tiêu là hạn chế phát sinh chất thải, giảm lượng chất thải để xử lý; quản lý chất thải như một nguồn tài nguyên; đảm bảo rằng việc xử lý, thu hồi và tái sử dụng chất thải được thực hiện theo cách an toàn, khoa học và thân thiện với môi trường; góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn và sản xuất năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và nâng cao năng suất của tài nguyên đất.

Để đạt được các mục tiêu này, trên thực tế, Chính phủ Úc đã ban hành, triển khai Chương trình tái chế máy tính và tivi quốc gia, quy ước về vật liệu đóng gói, các tiểu bang Nam Úc, Queensland, New South Wales, Victoria, ACT có các sáng kiến về lãng phí nhựa, tiểu bang Nam Úc có Luật Ký gửi vỏ chai, đầu tư cho tái chế, xây đường bằng nhựa tái chế. Cụ thể, Chính phủ Úc đã cam kết lên tới 1,1 triệu đô la nhằmgiúp tăng tỷ lệ tái chế cho bao bì thông qua việc giáo dục người tiêu dùng. Đây là một phần của Chính phủ Úc trong tổng cộng $ 167 triệu cam kết cho các sáng kiến tái chế và giảm chất thải mới (tháng 6 năm 2019). Chính phủ Queensland đang đầu tư 100 triệu đô la vào Chương trình phát triển công nghiệp phục hồi tài nguyên nhằm cải thiện các cơ sở hoạt động hiện tại cũng như đưa về các cơ sở quan trọng mới đến Queensland (tháng 7 năm 2019). Nhựa từ khoảng 176.000 túi nhựa, bao bì và thủy tinh từ khoảng 55.000 bình chứa đã được chuyển từ bãi rác để xây dựng con đường đầu tiên của New South Wales làm từ nhựa mềm và thủy tinh,…


Đại diện của UNIDO

Theo đại diện của UNIDO, tái chế chất thải, chất thải công nghiệp là một phần của cách tiếp cận của UNIDO theo kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế để có thể tái chế chất thải, chất thải công nghiệp thành nguồn tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín; áp dụng RECP để đảm bảo các hoạt động tái chế “xanh” và an toàn; cung cấp hỗ trợ cho các hoạt động tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế; tăng cường các điều kiện khung để đảm bảo việc hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế và nền kinh tế tuần hoàn. 

Trong khuôn khổ của hội thảo, các đại biểu cũng đã sôi nổi thảo luận về vấn đề quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn.

Chia sẻ những kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Tiến sỹ Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết, với việc áp dụng những chính sách tích cực trong quản lý chất thải nên rác thải chôn lấp ở Hàn Quốc giảm nhanh từ 96% năm 1982 xuống còn 13% vào năm 2013, đồng thời tỷ lệ tái chế tăng mạnh.


TS. Kim In Hwan​ (Hàn Quốc)

Chiến lược giảm thiểu chất thải của Hàn Quốc bao gồm hệ thống thu phí dựa trên khối lượng, hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần, vật liệu đóng gói, không cung cấp miễn phí các đồ dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng, cửa hàng mua sắm; giới hạn không gian trống sau khi đóng gói và số lớp đóng gói trong hộp; các gia đình phải mua các túi chỉ để đựng rác theo phân loại, tập kết ở nơi thu gom nên hạn chế được lượng rác thải. Đẩy mạnh việc tái chế với mục tiêu đến năm 2025, các rác thải có thể tái chế giảm xuống còn 0%. Tiến sỹ Kim In Hwan cho rằng, để triển khai thành công Chiến lược giảm rác thải thì cần sự phối hợp và triển khai bằng các công cụ chính sách cũng như đẩy mạnh truyền thông để có sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng.

Đại diện Phần Lan chia sẻ: Phần Lan đang thực hiện các chỉ thị của Liên minh châu Âu thành hành động trong nước như phân loại rác tại nguồn, tăng cường khả năng thu hồi chất thải, đặc biệt từ các hộ gia đình. Thu phí chất thải được chôn lấp, cẩn trọng trong việc phân loại và thu gom tái chế chất thải đặc biệt, chất thải có khả năng sinh lợi cao. Tách chất thải hữu cơ và vô cơ, khô và ướt. Ngoài ra, Phần Lan còn có hệ thống nhà máy để xử lý, thu hồi chất dinh dưỡng trong chất thải thực phẩm, thu hồi khí metan để biến thành năng lượng phát điện. Phần Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tối đa trong lĩnh vực này.
Đối với công nghệ xử lý rác, Phần Lan có một giải pháp tổng thể về xử lý rác sinh hoạt, từ phân loại rác tại nhà máy đến việc xử lý rác hữu cơ riêng, vô cơ riêng. Trong đó xử lý rác hữu cơ bằng công nghệ riêng cũng phát điện. Ngoài ra còn tái chế được dưỡng chất cho đất. Đây có thể là phương án phù hợp với xử lý rác sinh hoạt ở Việt Nam.

Đại diện Đức cho biết: Các nước phát triển đều có các nhà máy đốt rác và tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ đó nhưng vẫn phải cân nhắc đến yếu tố môi trường.”. 

Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhận định: Sau hội thảo này, Việt Nam đã có thêm những tài liệu quý báu, những bài học kinh nghiệm điển hình của các quốc gia tiên tiến đi trước. Việt Nam sẽ định hướng một cách đúng đắn, triển khai một cách tốt nhất lộ trình đối với xử lý chất thải rắn đô thị, nội hàm về kinh tế tuần hoàn phải được triển khai bằng những chính sách cụ thể. Những tham luận và những ý kiến của ngày hôm nay là nguồn tài liệu rất bổ ích phục vụ cho những nghiên cứu và cho hội nghị toàn quốc về chất thải rắn sẽ được tiến hành trong tháng 9 tới.
Thứ trưởng giao Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ Hợp tác quốc tế tiếp tục làm đầu mối để phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, đặc biệt là Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Tổng cục Môi trường đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn đô thị nói riêng, đặc biệt là thực hiện xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá trình độ công nghệ trong xử lý chất thải rắn, trong đó có công nghệ đốt rác phát điện, lựa chọn được những mô hình quản lý chất thải rắn đô thị phù hợp với điều kiện KT-XH Việt Nam.
"Việt Nam phải đi theo hướng đa dạng về công nghệ, không có duy nhất. Cần ưu tiên công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương. Cùng với đó, tham mưu cho Bộ TN&MT, cho Chính phủ về lộ trình đến năm nào chấm dứt việc chôn lấp rác, địa phương nào cần có lộ trình sớm hơn" - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

VEA

 

 

Tags: sông Nhuệ
Hỏi đáp
Thư viện
Đăng ký vay vốn ưu đãi

Tên doanh nghiệp *

Địa chỉ *

Số điện thoại *

Email

Tên dự án *

Tóm tắt nội dung dự án *

Mã xác nhận *

wb7yyU
Hoạt động nghiệp vụ
Thống kê truy cập

Đang online

0

Lượt truy cập

6349803
Liên kết trang