Thủ tướng phê duyệt khung chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường

Thứ 2, 15/08/2016 - 12:04 GMT+7 Lượt xem: 78

​“Trong năm 2016, hoàn thành việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển dịch vụ môi trường” - đây là mục tiêu quan trọng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện tại Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 về việc phê duyệt khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường. 

Thủ tướng cũng chỉ đạo Khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường phải phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển các loại hình dịch vụ, cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và hỗ trợ thúc đẩy phát triển dịch vụ môi trường, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển dịch vụ môi trường; có chính sách hỗ trợ sự tham gia và phát triển của các thành phần kinh tế; có chính sách thành lập một số tổ chức, doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước đủ mạnh để giải quyết những vấn đề môi trường lớn, bức xúc của đất nước.
Tuy nhiên, việc xây dựng, hoàn thiện Khung chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường phải thực hiện theo lộ trình và bước đi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tuân thủ các quy luật của nền kinh tế thị trường, bảo đảm môi trường tự do kinh doanh, minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể đầu tư, cung cấp dịch vụ và tính đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật.
Khung chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch nhằm hỗ trợ phát triển và quản lý thị trường dịch vụ môi trường như tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; quan trắc, phân tích môi trường; giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định thiệt hại về môi trường … góp phần thúc đẩy hình thành và phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường trên phạm vi cả nước.
Đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm kiểm soát, quản lý hiệu quả chất lượng cung cấp dịch vụ môi trường; thực hiện chính sách người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.
Việc xây dựng khung chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường bao gồm bốn (03) nội dung lớn:

Xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển dịch vụ môi trường
Nội dung này tập trung vào công tác xây dựng, ban hành (1) chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư trong các dịch vụ môi trường; (2) chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm phát triển một số loại hình dịch vụ môi trường.
Đến năm 2020, Việt Nam sẽ áp dụng đầy đủ giá, phí dịch vụ về môi trường theo nguyên tắc thị trường - người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; xóa bỏ bao cấp của Nhà nước qua giá, phí đối với các dịch vụ môi trường công ích; bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng dịch vụ môi trường
Nội dung này được chia thành năm (05) phần:

Hoàn thiện chính sách, pháp luật quy định về điều kiện hoạt động đối với tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ môi trường
Chính phủ sẽ xây dựng các chính sách, pháp luật quy định về đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và đội ngũ cán bộ đối với tổ chức cung cấp một số lĩnh vực dịch vụ môi trường về rà soát, hoàn thiện quy định về điều kiện hoạt động đối với tổ chức cung cấp dịch vụ quan trắc và phân tích môi trường; dịch vụ xử lý chất thải nguy hại. 
Tổ chức cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường; dịch vụ hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải; vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm phải đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Quy định về bồi dưỡng, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân tham gia cung cấp các lĩnh vực dịch vụ môi trường về quan trắc và phân tích môi trường; xử lý chất thải nguy hại; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định thiệt hại về môi trường,… cũng sẽ được Chính phủ ban hành.

Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các lĩnh vực dịch vụ môi trường
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm hoàn thiện các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với chất thải (nước thải, khí thải và chất thải rắn); hệ thống xử lý chất thải, chất thải nguy hại; hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm.

Hoàn thiện hệ thống quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các lĩnh vực dịch vụ môi trường
Một số Quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật sẽ tiếp tục được hoàn thiện đối với các hoạt động quan trắc và phân tích môi trường; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường khu vực bị ô nhiễm; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đảm bảo đủ chi phí từ khâu thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo theo đúng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; vận hành hệ thống xử lý nước thải bệnh viện, làng nghề; hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung,…

Xây dựng mức đơn giá đối với các lĩnh vực dịch vụ môi trường 
Đơn giá đối với các lĩnh vực dịch vụ môi trường sẽ được xây dựng theo nguyên tắc thực hiện theo hình thức đấu thầu thì giá dịch vụ môi trường thực hiện theo giá trúng thầu; thực hiện theo mô hình hợp tác công tư thì giá môi trường thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế hợp lý tương ứng với chất lượng dịch vụ, có lợi nhuận (nếu có) phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Trường hợp không thực hiện theo đấu thầu mà thực hiện theo hình thức đặt hàng, giao kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, thì giá dịch vụ môi trường thực hiện theo quy định tại Luật giá và các văn bản liên quan và pháp luật hiện hành về quản lý giá sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

Hoàn thiện các quy định về chế tài xử lý đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ môi trường vi phạm các quy định về điều kiện hoạt động, bảo đảm chất lượng dịch vụ môi trường
Chính phủ sẽ xây dựng bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ môi trường có hành vi vi phạm các quy định về điều kiện hoạt động, bảo đảm chất lượng dịch vụ môi trường; xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ môi trường có hành vi vi phạm các quy định về bồi dưỡng, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, bảo đảm chất lượng dịch vụ môi trường; quy định về việc công khai thông tin đối với tổ chức cung cấp dịch vụ vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Chính sách hỗ trợ giải quyết những vấn đề môi trường lớn, bức xúc
Việt Nam sẽ ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tại các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và phía Nam theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời, ban hành chính sách tài chính, hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực cho các cơ sở sự nghiệp công lập tham gia cung cấp dịch vụ cải tạo, phục hồi môi trường đối với khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, dioxin; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; dịch vụ giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định thiệt hại về môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ lập và tổ chức thực hiện Danh mục quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các lĩnh vực dịch vụ môi trường; danh mục quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các lĩnh vực dịch vụ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có trách nhiệm chủ trì đề xuất bổ sung các lĩnh vực dịch vụ môi trường cần có quy định điều kiện hoạt động đối với tổ chức cung cấp dịch vụ vào Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định; theo dõi tình hình triển khai thực hiện Quyết định này; định kỳ hàng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(VEA)

 

Tags: sông Nhuệ
Hỏi đáp
Thư viện
Đăng ký vay vốn ưu đãi

Tên doanh nghiệp *

Địa chỉ *

Số điện thoại *

Email

Tên dự án *

Tóm tắt nội dung dự án *

Mã xác nhận *

ADBjZQ
Hoạt động nghiệp vụ
Thống kê truy cập

Đang online

0

Lượt truy cập

6552740
Liên kết trang