“Việt Nam là quốc gia đầu tiên xây dựng báo cáo về cực đoan khí hậu dựa trên cơ sở của báo cáo Cực đoan khí hậu toàn cầu của IPCC”

Thứ 6, 23/01/2015 - 16:43 GMT+7 Lượt xem: 112

​Hôm nay, ngày 22/1, Chính phủ Việt Nam, đã tổ chức Hội nghị giới thiệu Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu (VPCC), bao gồm các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về các lĩnh vực đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

​Hội nghị cũng công bố “Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với Biến đổi khí hậu (SREX Việt Nam)”. Đây là những phân tích khoa học có sự hợp tác lớn đầu tiên về biến đổi khí hậu của các nhà nghiên cứu của Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong các loại thiên tai, bão và lũ lụt là thường xuyên và nguy hiểm nhất. Theo ước tính, trung bình mỗi năm Việt Nam phải chịu từ 6 đến 7 cơn bão. Từ năm 1990 đến 2010, đã xảy ra 74 trận lũ trên các hệ thống sông của Việt Nam. Hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, và nhiều thiên tai khác đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại nhiều hơn về người và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế đất nước.

Là một trong những quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, Việt Nam nhận thức rõ vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai là vấn đề sống còn cho sự phát triển bền vững đất nước. Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách về biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần cùng cộng đồng quốc tế giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu của trái đất. Đồng thời, để tiếp tục tăng cường nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và huy động nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, đã từ lâu, Chính phủ Việt Nam có chủ trương thành lập Hội đồng tư vấn cho Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (gọi tắt là VPCC).

Để làm rõ hơn những nguyên nhân bất thường của thời tiết, khí hậu tại Việt Nam trong những năm gần đây và những năm tới, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng “Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu” (Báo cáo SREX Việt Nam). Được xây dựng từ năm 2012, dựa theo khung của “Báo cáo đặc biệt của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu”, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cùng nghiên cứu, xây dựng với sự tham gia của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Huế, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia trong và ngoài nước về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các khái niệm chính của báo cáo SREX Việt Nam

Báo cáo gồm 9 chương nhằm mục đích phân tích và đánh giá các hiện tượng cực đoan, tác động của chúng đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của Việt Nam; diễn biến của các hiện tượng khí hậu cực đoan trong tương lai do biến đổi khí hậu; sự tương tác giữa các yếu tố khí hậu, môi trường và con người nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan ở Việt Nam.

Các nhà khoa học đã đưa ra kết luận từ các kết quả phân tích rằng, Việt Nam có kinh nghiệm đáng kể trong việc ứng phó với các thiên tai và cũng có các biện pháp để giảm thiểu tác động của thiên tai và hiện tượng cực đoan. Trung bình hàng năm số người thương vong và thiệt hại về kinh tế do thiên tai và hiện tượng cực đoan ở Việt Nam so với các nước khác là khá cao, trong khi đó những rủi ro đang ngày càng gia tăng và có thể được xem như là tác động biến đổi khí hậu, gần đây Việt Nam đã bắt đầu có các biện pháp để thích ứng biến đổi khí hậu dài hạn. Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu cần được phối hợp tốt hơn ở tất cả các cấp, và chúng phải được lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch phát triển và đầu tư của từng ngành và địa phương.

Một vấn đề quan trọng là kinh nghiệm của người dân, cộng đồng, cơ sở hạ tầng và tài sản kinh tế công cộng và tư nhân khác với khí hậu cực đoan ngày càng tăng, sẽ có thể làm giảm khả năng tổn thương ở các vùng ven biển, vùng đồng bằng, các thành phố cũng như ở các vùng núi và của hệ thống con người và các hệ sinh thái. SREX Việt Nam đánh giá rất nhiều biện pháp đã được thực hiện tại Việt Nam để giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt bằng cách phân tích các hiện tượng cực đoan đã xảy ra trong thập kỷ qua. Báo cáo đưa ra một loạt các hành động để đối phó với những rủi ro ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, bao gồm tăng cường phân tích rủi ro; cải thiện hệ thống cảnh báo sớm; tăng cường quy hoạch không gian đô thị; tăng cường cơ sở hạ tầng, nhà ở và các công trình khác; hệ thống bảo vệ và trợ giúp xã hội, đặc biệt là tập trung vào người già và trẻ em.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã tích cực hỗ trợ trong việc xây dựng báo cáo SREX Việt Nam. Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ cho rằng: "Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hiện tượng cực đoan và phụ nữ, trẻ em, người già và đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất, vì vậy họ và cộng đồng của họ phải trở nên kiên cường hơn. Nếu không có điều này, không thể có phát triển kinh tế xã hội bền vững tại Việt Nam. Điều này là hoàn toàn cần thiết và các nhà khoa học Việt Nam đã tổng hợp tất cả các kiến thức khoa học và thực tiễn để tư vấn cho Chính phủ các Bộ, ngành, địa phương về các biện pháp ưu tiên nhằm giảm thiểu rủi ro khí hậu".

Hỏi đáp
Thư viện
Đăng ký vay vốn ưu đãi

Tên doanh nghiệp *

Địa chỉ *

Số điện thoại *

Email

Tên dự án *

Tóm tắt nội dung dự án *

Mã xác nhận *

Acdsex
Hoạt động nghiệp vụ
Thống kê truy cập

Đang online

0

Lượt truy cập

4915128
Liên kết trang