ĐOÀN CÔNG TÁC KỸ THUẬT CỦA QUỸ MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU LÀM VIỆC VỚI CÁC ĐỐI TÁC TẠI VIỆT NAM (GEF-7 VIETNAM NATIONAL DISCUSSION)
Thứ 5, 10/10/2019 - 00:51 GMT+7 Lượt xem: 10846
Đoàn công tác chụp ảnh cùng Văn phòng GEF Việt Nam
Trong hai ngày 8 và 9/10/2019, Đoàn công tác kỹ thuật của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) gồm Tiến sĩ Leah Karrer, chuyên gia cao cấp về môi trường và Tiến sĩ Jurgis Sapijanskas, chuyên gia cao cấp về đa dạng sinh học, đã làm việc với Ông Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Đầu mối tác nghiệp GEF Việt Nam, đại diện các cơ quan đối tác GEF: bà Lê Thị Thanh Thảo – Trưởng đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam, ông Đào Xuân Lai – Trợ lý Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, ông Satoshi Ishi – Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Nguyễn Song Hà – Điều phối viên chương trình Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam, và các đại diện: Vụ Quản lý các khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và đầu tư, Vụ Pháp chế – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Viện Điều tra và Quy hoạch Rừng – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được thành lập năm 1991, đến nay có 183 quốc gia thành viên, Việt Nam đã tham gia GEF được 26 năm. GEF là tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất thế giới cho các dự án về môi trường. GEF hỗ trợ tài chính cho các lĩnh vực: Đa dạng sinh học, biến đối khí hậu, suy thoái đất, hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế và các hoạt động hỗ trợ tài chính khác. Trong khoảng thời gian 26 năm qua, GEF đã tài trợ (không hoàn lại) cho Việt Nam hơn 160 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia thực hiện nhiều dự án khu vực và toàn cầu của GEF, trị giá gần 500 triệu USD. Hỗ trợ của GEF đã và đang đóng góp quan trọng, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung.
Tại buổi làm việc, chuyên gia cao cấp GEF cập nhật với phía Việt Nam về Định hướng Chương trình (Program Directions) của GEF-7, những thay đổi trong tiêu chí đánh giá và những ưu tiên của GEF trong việc lựa chọn dự án trong chu kỳ GEF-7. Những tiêu chí đánh giá dự án đã có thay đổi theo hướng cụ thể hơn so với những tiêu chí đánh giá của GEF-6.
Chuyên gia GEF trình bày về GEF-7 và các định hướng ưu tiên
Ông Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Đầu mối tác nghiệp trình bày về các chủ trương, chính sách, ưu tiên, định hướng của Việt Nam đối với các dự án vận động tài trợ GEF trong thời gian tới. Trong chu kỳ GEF-7 (từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2022), Việt Nam được phân bổ 18,01 triệu USD (không hoàn lại), thêm vào đó GEF toàn cầu có thể tài trợ bổ sung nếu có các dự án khả thi thuộc các lĩnh vực phù hợp. Từ đầu chu kỳ GEF-7 đến nay, Việt Nam đã được GEF phê duyệt 04 dự án tài trợ không hoàn lại với tổng kinh phí đề xuất 10,85 triệu USD.
Ông Nguyễn Đức Thuận cũng nêu đề xuất dự án “Áp dụng các giải pháp xử lý phù hợp thay cho đốt rơm rạ tại Hà Nội và các tỉnh giáp ranh, góp phần giảm ô nhiễm không khí” nhằm giảm thực trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Đoàn công tác ghi nhận và sẽ rà soát, xem xét tính phù hợp với các ưu tiên và nguồn vốn của GEF.
Đoàn công tác đã nghe các bài trình bày và trao đổi thảo luận với các cơ quan thực hiện, Đầu mối tác nghiệp về các dự án sau:
– Dự án Cách tiếp cận tổng hợp cho các thành phố bền vững ở Việt Nam và dự án Cải thiện môi trường cho thành phố cấp 2 do Tổng cục Môi trường phối hợp ADB thực hiện;
– Dự án Thúc đẩy sử dụng tài nguyên hiệu quả và tuần hoàn để giảm ô nhiễm nhựa khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do Tổng cục Môi trường phối hợp ADB thực hiện;
– Dự án Quản lý tổng hợp cảnh quan vùng lúa bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam thuộc Chương trình Tác động IPs (cơ chế mới tại GEF-7) do Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp FAO thực hiện;
– Dự án Thúc đẩy an ninh nguồn nước và môi trường ở các vùng biên giới và vùng bờ thuộc cái lưu vực sông Mã và Sông Neun/Cả do Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp FAO thực hiện;
– Dự án Quản lý rừng và đất rừng bền vững tại cảnh quan rừng lưu vực sông Ba, Việt Nam do Viện Điều tra và Quy hoạch Rừng phối hợp UNDP thực hiện;
– Dự án Mở rộng áp dụng và thực hiện khu công nghiệp sinh thái thông qua tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm thúc đẩy đầu tư và góp phần vào phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững tại Việt Nam do Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp UNIDO thực hiện;
– Dự án Quản lý hiệu quả một mạng lưới sinh thái của các khu bảo tồn biển trong các hệ sinh thái biển lớn trong khu vực ASEAN (ASEAN ENMAPS) dự kiến do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối với UNDP thực hiện.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Trưởng đại diện UNIDO Việt Nam và dại diên Vụ quản lý các khu kinh tế tiếp thu ý kiến của Đoàn
Kết thúc hai ngày làm việc tích cực, Đoàn công tác đã đạt được một số kết quả sau:
- Các cơ quan thực hiện (ADB, FAO, UNIDO, UNDP và các có quan thuộc các Bộ liên quan) nhận được các nhận xét, đánh giá rất thiết thực và hữu ích về các dự án đang triển khai, các đề xuất dự án sắp trình Hội đồng GEF toàn cầu. Một số đề xuất dự án sẽ được chỉnh sửa trước khi chuyển đến Ban thư ký GEF.
- Các cán bộ của Văn phòng GEF Việt Nam và các cơ quan liên quan hiểu biết hơn về các ưu tiên, định hướng, nguồn vốn và kinh nghiệm triển khai các dự án GEF.
- Tăng cường trao đổi, hợp tác kết nối giữa các bên: GEF toàn cầu, cơ quan đầu mối GEF quốc gia (Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam), các cơ quan thực hiện ADB, FAO, UNIDO, UNDP và các cơ quan thuộc các Bộ liên quan.
Nguồn: Văn phòng GEF Việt Nam.