Việt Nam - EU Tăng cường hợp tác bảo vệ khí hậu
Thứ 5, 20/12/2018 - 17:22 GMT+7 Lượt xem: 10938
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) - ông Bruono Angelet cho biết, tại Việt Nam, 60% hỗ trợ tài chính của Liên minh Châu Âu dành cho cải cách ngành năng lượng. EU muốn chia sẻ thành quả của mình trong việc chuyển đổi nền kinh tế các bon thấp, gắn kết các mục tiêu giảm phát thải với tăng trưởng kinh tế hàng năm...
Ưu tiên giảm phát thải lĩnh vực năng lượng
Chia sẻ kinh nghiệm của EU, Đại sứ Bruno cho biết, từ gần 30 năm trước, giới khoa học đã có những cảnh báo về biến đổi khí hậu và tác động nghiêm trọng của nó. Chính vì vậy, các nước thành viên EU đã thống nhất quan điểm xây dựng mô hình kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và sinh thái.
EU đã vượt ra ngoài quy luật kinh tế thông thường thường thời bấy giờ khi tập trung tìm giải pháp cắt giảm phát thải CO2 của các ngành công nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, mua điện tái tạo của người dân. Các chính sách hướng tới thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn để tận dụng tối đa nguyên vật liệu, tái sử dụng nước thải, bao bì, chất thải xây dựng… không phát thải ra môi trường.
Để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế các bon thấp, EU đã siết chặt các điều luật về phát thải, xử phạt nặng các đơn vị gây ô nhiễm và sử dụng thuế, phí như công cụ điều tiết thị trường. Kết quả là nhận thức của người dân đã được nâng cao và đã có thay đổi rất lớn trong hành vi tiêu dùng, sử dụng năng lượng. Đến nay, EU đã giảm 23% tổng lượng phát thải CO2 so với năm 1990, thành công vượt mốc cam kết 20% trước thời hạn năm 2020. GDP vẫn tăng trưởng đều, chứng tỏ sự thành công của việc gắn kết các mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế.
Theo ông Bruno, đến với Hội nghị toàn cầu lần thứ 24 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH (COP24) vào cuối năm nay, EU tham vọng sẽ giảm đến 80% lượng CO2 đến năm 2050 và tiếp tục vươn rộng các nỗ lực giảm phát thải ra ngoài phạm vi châu Âu.
Đại sứ khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của EU trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Trong đó, các hỗ trợ tài chính ưu tiên hàng đầu cho chuyển đổi ngành năng lượng, bởi đây động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế nhưng cũng là nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất.
EU chủ yếu hỗ trợ Việt Nam về các giải pháp cung cấp điện cho người dân vùng sâu vùng xa, thúc đẩy điều chỉnh cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và giảm điện than, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đối thoại chính phủ nhằm cải cách cơ chế chính sách, hỗ trợ tài chính cho tư nhân, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng biểu giá năng lượng tái tạo để thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào đây... Mới đây là dự án thử nghiệm tấm pin năng lượng nổi trên hồ thủy điện, nhằm tạo ra nguồn điện dự phòng cho nhà máy điện và tiết kiệm diện tích đất sản xuất điện mặt trời; một dự án khác về phát triển pin năng lượng trên mái nhà ở Đà Nẵng. “Ít nhất có đến 10 nước thành viên EU đang quan tâm đến các lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo NLTT ở Việt Nam”, ông Bruno cho biết.
Chia sẻ nhu cầu ứng phó BĐKH
Theo ông Kamal Malhora, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng để đạt được mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam đề ra, câu hỏi mấu chốt cho Việt Nam là làm thế nào để chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc năm 2030, vốn đưa ra các mục tiêu phát triển bền vững cũng như các mục tiêu khí hậu, phù hợp với các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Vấn đề quan trọng là các bên tham gia đều cần phải thay đổi. Từ việc các chính phủ cần thay đổi mô hình phát triển kinh tế hướng đến phát triển bền vững, các doanh nghiệp thay đổi cách hoạt động sản xuất kinh doanh, đến vai trò của mỗi cá nhân trong cộng đồng, ông Kamal nhấn mạnh.
Chia sẻ về các nỗ lực của Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Việt Nam vẫn có nhu cầu sử dụng các nguồn nhiên liệu lớn cho toàn bộ nền kinh tế, đồng nghĩa với việc phát thải khí nhà kính sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, để chung tay với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã cam kết cắt giảm ít nhất 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường vào năm 2030 và có thể lên tới 25% khi có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Đến nay, đã có 50/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ở cấp địa phương. Bộ TN&MT cũng đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành rà soát, cập nhật các nỗ lực và biện pháp thực hiện cắt giảm khí nhà kính nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế.
Nhằm có các giải pháp và hành động cụ thể và mạnh mẽ hơn, Thứ trưởng đã đề xuất một số lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Trong đó, ưu tiên xây dựng các cơ chế đầu tư, huy động nguồn tài chính song phương và đa phương trên cơ sở minh bạch, công bằng, các bên cùng có lợi cho các hoạt động ứng phó BĐKH, đặc biệt trong việc thực hiện Thoả thuận Paris và các cam kết NDC.
Các nỗ lực hợp tác cần tập trung sâu rộng hơn trong nâng cao năng lực kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ thích ứng phù hợp với bối cảnh từng ngành, địa phương; công nghệ ít phát thải.Thứ trưởng lưu ý vấn đề tăng cường chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong Liên minh Châu Âu và các quốc gia đang phát triển như Việt Nam nhằm đề xuất được các giải pháp ứng phó phù hợp, có hiệu quả kinh tế và tính bền vững cao. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ lẫn nhau trong các diễn đàn quốc tế về BĐKH nhằm khắc phục những khác biệt về quan điểm, định hướng và nhu cầu đối với các hoạt động ứng phó.
Khánh Ly
baotainguyenmoitruong.vn